10 bí quyết người Thái hiện thực hóa “giấc mơ World Cup”

Đội tuyển Bóng đá Thái Lan đã kết thúc Vòng loại World Cup 2018 với thành tích bất bại và giành được ngôi đầu bảng F một cách thuyết phục để bước tiếp vào vòng loại cuối cùng. Đây là một thành công lớn của bóng đá nam Thái Lan sau những cố gắng và nỗ lực không biết mệt mỏi của người Thái đáng để các nước trong khu vực học tập.

1

Tạp chí FourFourTwo Thailand đã phân tích 10 điểm cần thiết để những “chú voi chiến” Thái Lan có thể bước chân vào sân chơi thế giới một cách vững vàng.

1. Hiện thực hóa “giấc mơ World Cup 2026” bằng lứa U.16 thời điểm hiện tại. Quan trọng nhất là bóng đá Thái Lan phải xác định đúng đối tượng sẽ giúp nền bóng đá nước nhà hiện thực hóa giấc mơ World Cup. Lứa cầu thủ hiện tại đang khiến người dân Thái Lan phấn khích nhưng có thể rất khó khăn khi thực hiện được mục tiêu World Cup mà FAT đặt ra. Đầu tư tập trung để lứa cầu thủ U.16 hiện tại của Thái Lan có thể tham gia VCK U.17 và U.20 thế giới mới là điều thiết thực. Thậm chí phải có kết quả tốt như “thế hệ vàng” của đội trẻ Bồ Đào Nha, Croatia hay Nam Tư thì mới có thể hy vọng vào World Cup 2026 khi lứa cầu thủ 26-28 tuổi của Thái Lan đạt độ chín.

2. Trung tâm đào tạo quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhiệm vụ đào tạo trẻ không chỉ là trách nhiệm của các CLB mà còn là chiến lược của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT). Từng thi đấu cho CLB Hertha Berlin (Bundesliga), ông Wittaya Laohakul, Giám đốc Kỹ thuật của FAT, đánh giá tầm quan trọng của việc xây dựng lối chơi phù hợp người Thái và áp dụng xuyên suốt từ các đội trẻ đến đội tuyển quốc gia để có sự nhuần nhuyễn và quen thuộc đối với cầu thủ. Đây cũng chính là chiến lược phát triển của các cường quốc bóng đá trên thế giới như Tây Ban Nha, Đức hay Nhật Bản. Do vậy, thành lập trung tâm huấn luyện bóng đá quốc gia là yếu tố then chốt để bóng đá Thái Lan có thể đạt được mục tiêu này. Những nhân tố bóng đá mới được tuyển chọn và đầu tư tập luyện tại các khu vực rồi mới chọn lọc một lần nữa để gửi đến trung tâm quốc gia này.

3. Vị trí tương xứng trên bảng xếp hạng của FIFA. Yếu tố quan trọng nữa để đội tuyển Thái Lan có được lợi thế khi thi đấu các giải chính thức là vị trí trên bảng xếp hạng của FIFA. Mặc dù đang có thành tích tốt và thống trị ASEAN nhưng trong năm 2014 đội tuyển bóng đá nam Thái Lan chỉ xếp hạng 158, thấp nhất trong lịch sử bóng đá Thái. Thứ hạng thấp đó sẽ rất ảnh hưởng đến những lần xếp hạt giống khi bốc thăm, rõ ràng nhất là vòng loại VCK World Cup 2018. Đó là chưa kể cầu thủ của Thái Lan sẽ gặp bất lợi về “giấy phép lao động” khi thi đấu ở các giải bóng đá chuyên nghiệp ở nước ngoài.

4. Đặt trọng tâm vào đúng những giải đấu chính thức của FIFA. Để giải quyết vấn đề về vị trí của đội tuyển Thái Lan trong bảng xếp hạng của FIFA, FAT phải cân nhắc và xác định mục tiêu tập trung vào những giải đấu nào. Thi đấu ở Olympic hay giành thứ hạng cao ở Asian Games hoặc vô địch SEA Games đều không được FIFA tính điểm mà chỉ mang lại niềm tự hào dân tộc. Đơn cử, tuyển Olympic Đức không thi đấu thường xuyên nhưng tuyển quốc gia Đức vô địch World Cup lai rai.

5. Ngày FIFA hay nâng cao chất lượng giao hữu quốc tế. Những khoảng thời gian trống để đội tuyển quốc gia có thể tập trung và thi đấu giao hữu, thường gọi là “Ngày FIFA”, là cuộc chiến căng thẳng giữa quyền sử dụng cầu thủ của đội tuyển quốc gia và các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. Do đó, FAT phải tận dụng cơ hội này cực kỳ hiệu quả cũng như xác định việc mời những đội bóng có thứ hạng cao hơn Thái Lan để có thể kiếm điểm cộng nhiều. Đối đầu với những đội tuyển lớn của châu lục hay thế giới cũng là cách thu hút khán giả đến sân đấu, tạo điều kiện kinh doanh các hoạt động liên quan đến trận đấu thuận lợi hơn.

6. Giải bóng đá chuyên nghiệp phát triển mạnh không đồng nghĩa với đội tuyển mạnh. Thái Lan đang sở hữu một trong những giải bóng đá chuyên nghiệp chất lượng cao và hấp dẫn hàng đầu châu Á. Nhưng một số nhà chuyên môn vẫn không “ảo tưởng” về việc giải chuyên nghiệp mạnh thì đội tuyển quốc gia sẽ mạnh, như trường hợp của Giải ngoại hạng Anh. Ngược lại, những đội tuyển Hà Lan, Brazil hay Argentina đều mạnh nhưng giải chuyên nghiệp của họ chưa vươn đến tầm như thế. Trong khi, đa phần các CLB chuyên nghiệp tại Thái Lan tận dụng tối đa “quota” cầu thủ ngoại cho hàng công để giành ưu thế thì SCG Muangthong United lại nghĩ khác. Chưa thể giành lại ngôi vô địch Thai League từ năm 2012 nhưng SCG Muangthong United vẫn luôn cung cấp cầu thủ Thái Lan trên hàng công đội tuyển quốc gia như Teerasil Dangda hay Adisak Kraisorn. Thực tế, các cầu thủ Thái Lan có môi trường phát triển trong giải quốc gia hay cơ hội thi đấu ở nước ngoài mới là điều kiện tiên quyết để đội tuyển quốc gia phát triển mạnh mẽ.

7. Thi đấu nước ngoài đáng trân trọng chứ không phải chỉ nhắm đến các giải lớn của châu Âu. Tạo cơ hội cho cầu thủ Thái Lan tham gia thi đấu các giải chuyên nghiệp ở những nước có nền bóng đá phát triển là một chiến lược phát triển đội tuyển quốc gia. Khi tiền đạo Teerasil Dangda có cơ hội thi đấu ở La Liga (Tây Ban Nha), đó thật sự là những kinh nghiệm quý báu cho bản thân anh và đội tuyển Thái Lan. Tuy vậy, giới chuyên môn Thái Lan vẫn rất tỉnh táo khi cho rằng không nhất thiết phải nghĩ đến các giải bóng đá nổi tiếng ngay lập tức. Thi đấu cho các giải Bỉ, Thụy Sĩ hay thậm chí Nhật Bản, Hàn Quốc cũng rất hữu ích nếu cầu thủ có được môi trường thi đấu thường xuyên. Những giải đấu ở tầm trung bình đó cũng là “bước đệm” tốt để cầu thủ vươn ra thế giới như trường hợp của Keisuke Honda (thi đấu ở Nga rồi mới sang Ý) hay Shinji Kagawa (thi đấu ở Đức rồi mới thành danh ở Anh).

8. Phòng thủ là mấu chốt vấn đề cho đội nhà khi nằm ở “chiếu dưới”. Hiện nay với chiến thuật “Thai tik-tok”, nghĩa là phối hợp nhanh theo từng nhóm nhỏ để triển khai tấn công, đội tuyển Thái Lan đã thi đấu khá hiệu quả, gây phấn khích cho người hâm mộ. Tuy nhiên, xây dựng được chiến thuật phòng thủ vững chắc và chủ động từ xa cũng là yếu tố quan trọng giúp Thái Lan tiến xa. Nói công bằng, Thái Lan cũng chỉ mới “tiệm cận” được tốp đầu châu Á nên phòng thủ phản công tốt vẫn rất quan trọng. Nếu so với thành công của những đội bóng nhỏ như Hy Lạp tại Giải vô địch châu Âu hay Costa Rica tại Giải vô địch thế giới, có những thời điểm Thái Lan phải cần đến chiến thuật phòng thủ hiệu quả để giành được kết quả tốt chứ không chỉ thi đấu làm hài lòng người hâm mộ.

9. Chỉ dùng cầu thủ nước ngoài gốc Thái chứ không phải “nhập tịch”. Vấn đề sử dụng cầu thủ gốc Thái hay thậm chí là cầu thủ “nhập tịch” cũng đang gây tranh cãi trong bóng đá Thái Lan. Sự thành công của những cầu thủ gốc Thái như Tristan Do hay Charyl Chappuis trong đội hình Thái Lan là một bước khởi đầu tốt. Vấn đề của những cầu thủ “nhập tịch”, nếu thật sự có lợi cho đội tuyển Thái Lan, cũng nên cân nhắc để làm sao có thể phục vụ cho đội nhà một cách tốt nhất.

10. Đường đến World Cup không phải “ăn may”. Không ai đánh thuế giấc mơ! Nhưng để hiện thức hóa “giấc mơ World Cup”, người Thái hiểu rằng không có chữ “ăn may” với thể thức đấu loại nhiều vòng như thế này. Châu Á có 43 đội tuyển tham dự vòng loại World Cup 2018 nhưng chỉ có 4 suất tham dự, đồng nghĩa 39 đội còn lại sẽ đợi chuyến tàu 4 năm sau. Như trường hợp của Nhật Bản, một trong những thế lực mạnh của bóng đá châu Á, phải mất 68 năm kể từ khi World Cup lần đầu tổ chức (năm 1930) mới đến được World Cup (năm 1998).

Nguồn http://toquoc.vn/