10 Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biển, đảo
Ảnh minh họa. (Nguồn: biengioilanhtho.gov.vn) |
Luật Biển Việt Nam có 7 Chương và 55 điều đề cập đến các nội dung chủ yếu: nguyên tắc, chính sách quản lý và bảo vệ biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo Việt Nam; các hoạt động trong vùng biển Việt Nam; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển; hợp tác quốc tế về biển.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển Việt Nam là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của nước ta, phục vụ cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Lần đầu tiên nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo của nước ta.
Luật Biển Việt Nam quy định rất rõ các vùng biển của Việt Nam, bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với các vùng nội thủy và lãnh hải; thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa.
Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của Luật Giám định tư pháp là cho phép thành lập các Văn phòng Giám định tư pháp. Quy định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp bên cạnh các tổ chức giám định công lập là một bước đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nhằm huy động tối đa nguồn lực của xã hội cho hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn khi xem xét, quyết định trưng cầu giám định trong điều kiện còn thiếu giám định viên, thiếu tổ chức để trưng cầu giám định.
Luật Giám định tư pháp gồm 8 Chương với 46 điều quy định về tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.
Thực hiện “ngày pháp luật”: 9/11
Theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đây là ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Hiến pháp năm 1946, đạo luật cơ bản đầu tiên của nước ta.
Cũng theo quy định của Luật, Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 4 Chương, 41 Điều, trong đó quy định về nhiều vấn đề quan trọng khác như nội dung, hình thức phổ biến pháp luật, trách nhiệm phổ biến, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các điều kiện bảo đảm cho công tác này….
Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước
Luật Giá gồm 5 Chương, 48 Điều. Điểm mới trong Luật là giá những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đó cũng phải nhất quán theo nguyên tắc thị trường. Các chính sách an sinh xã hội phải được xử lý bằng các chính sách khác.
Luật cũng quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.
Việc bình ổn giá được thực hiện khi giá hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục quy định có biến động bất thường hoặc mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế – xã hội.
Giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo
Luật Giáo dục đại học gồm 12 Chương, 73 Điều, quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Luật quy định bốn vấn đề mới cơ bản, gồm: phân tầng đại học, xã hội hóa giáo dục đại học, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và kiểm soát chất lượng đào tạo. Trong đó, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học là vấn đề được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các quy định của Luật.
Luật Giáo dục đại học có các điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Cụ thể, Luật quy định về chuẩn tối thiểu kiến thức, kỹ năng, thay vì quy định chương trình khung như trước đây.
Theo Luật, kiểm định chất lượng là bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí được các cấp có thẩm quyền quy định.
Từ 1/1/2013, 10 Luật sẽ có hiệu lực gồm: Luật Biển Việt Nam; Luật Giáo dục đại học; Luật Công đoàn; Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Giá; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Giám định tư pháp; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước; Luật Phòng, chống rửa tiền . |
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.