100 tỉ USD hiện đại hóa quân đội Ấn Độ
Đến năm 2020, Ấn Độ sẽ chi tối thiểu 100 tỉ USD để tăng cường năng lực quốc phòng giữa lúc có nhiều quan ngại về an ninh trong khu vực.
Chiến đấu cơ Rafale sẽ sớm được bổ sung cho quân đội Ấn Độ - Ảnh: US Navy
Chuẩn tướng Gurmeet Kanwal, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến tranh trên bộ của Ấn, cho biết như vậy tại Hội thảo an ninh châu Á - Thái Bình Dương (APSEC) diễn ra ngày 13.2 tại Singapore. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Triển lãm hàng không thế giới (Singapore Airshow 2012 diễn ra đến ngày 19.2).
Hội thảo bàn về những thách thức an ninh mới trong bối cảnh địa chính trị thay đổi đi kèm việc hiện đại hóa quân sự tại nhiều quốc gia. Nổi lên trong khu vực là 2 nền kinh tế đông dân, tăng trưởng mạnh - Trung Quốc và Ấn Độ - cùng với Mỹ.
Tại hội thảo, đại biểu Ấn Độ tỏ ra quan ngại trước những nguy cơ đe dọa an ninh nước này. Ngoài những nguy cơ nội tại như xung đột và bạo động ở vùng tây bắc, các nhóm cực tả và khủng bố trong nội thị, quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng của Ấn cũng là một mối lo lớn. Ông Kanwal còn cáo buộc Trung Quốc “đang chiếm giữ 38.000 km2 vùng Ladakh và tuyên bố chủ quyền 96.000 km2 vùng Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Đây là những mâu thuẫn dai dẳng có nguy cơ biến thành chiến tranh”. Vì thế, “Ấn Độ phải nâng cấp chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc”, từ đối sách cho đến sách lược chiến tranh và hiện đại hóa quân sự, theo chuẩn tướng này.
Mua hàng không mẫu hạm Gorshkov của Nga, tàu ngầm Scorpène và máy bay Rafale của Pháp… là bước đầu nâng cấp năng lực quân sự của Ấn Độ. Tuy nhiên, chuẩn tướng Kanwal cho biết trong vòng 10-15 năm tới, trong 50% khí tài nhập khẩu của Ấn Độ, phần lớn sẽ theo dạng chuyển giao công nghệ.
Tuy vậy, ông Kanwal cũng khẳng định mục tiêu cuối cùng của New Delhi vẫn là giữ vững an ninh và hòa bình tại nước này nói riêng lẫn cả khu vực nói chung. “Mục tiêu tối thượng của chiến tranh không phải là chiến thắng, mà là để tiến đến hòa bình”, ông dẫn lời thiếu tướng lục quân Anh John F.C.Fuller (1878 - 1966) nói.
Trong khi đó, với những luận điểm không có gì mới, đại biểu Trung Quốc là thiếu tướng hải quân Dương Nghị, Giám đốc Học viện Nghiên cứu chiến lược, khẳng định nước này “luôn theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế hòa bình và quốc phòng tự vệ”. Ông nói Trung Quốc là “nạn nhân bị xâm lấn bởi phương Tây và các nước láng giềng” nên phải “hy sinh phát triển kinh tế để xây dựng nền quốc phòng mạnh hơn”…
Ông Dương còn tuyên bố trong tranh chấp ở biển Đông và các vùng biển khác, “Trung Quốc luôn cố dàn xếp bằng con đường ngoại giao”, và “ngay cả khi tàu cá và ngư dân của mình bị bắt, chúng tôi cũng không đưa lực lượng ra giải cứu mà chỉ dùng biện pháp đối thoại”. Tuy nhiên, ông không đề cập những sự cố trên biển liên quan đến Trung Quốc gây quan ngại cho nhiều phía trong thời gian qua.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.