2011: 6 triệu người chết vì thuốc lá

          Cần tập trung nỗ lực chống hút thuốc lá ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình

        Vào ngày Thế giới Không thuốc lá (31-5), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kỷ niệm sự thành công của Hiệp định khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO trong cuộc chiến chống lại dịch hút thuốc lá. WHO thừa nhận rằng để trở thành công cụ kiểm soát thuốc lá mạnh nhất thế giới, hiệp định này vẫn còn đối mặt nhiều thách thức.

FCTC của WHO bắt đầu có hiệu lực từ tháng 2-2005. 172 quốc gia và Liên hiệp châu Âu đã trở thành thành viên của hiệp định này. Quốc gia mới nhất tham gia hiệp định là Turkmenistan vào ngày 13-5-2011.

Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, nhấn mạnh: “Thành công của hiệp định phụ thuộc vào mức độ thực hiện nghĩa vụ của những nước tham gia. Còn cần phải làm nhiều việc hơn nữa để hiệp định đạt được kết quả trọn vẹn. Nhiều quốc gia phải thông qua hoặc đẩy mạnh hiệp định và sau đó bắt buộc thi hành một cách nghiêm ngặt”.

Theo trang web Medical News Today, hút thuốc lá sẽ giết chết gần 6 triệu người trong năm nay; trong số đó, khoảng 600.000 người không hút thuốc sẽ tử vong vì hít phải khói thuốc lá. Đến năm 2030, 8 triệu người sẽ chết vì nạn hút thuốc lá. Có đến một nửa số người hút thuốc lá chết vì một bệnh nào đó liên quan đến thuốc lá.


Các nhà hoạt động xã hội tuần hành ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 31-5 kỷ niệm ngày Thế giới không thuốc lá. Ảnh: REUTERS

Tiến sĩ Haik Nikogosian, Trưởng Ban Thư ký FCTC, nhấn mạnh: “Cần phải thực hiện đầy đủ hiệp định này ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ở đó, ngành công nghiệp thuốc lá tập trung vào các nỗ lực tiếp thị”. Bên cạnh đó, tiến sĩ Douglas Bettcher, Giám đốc Sáng kiến Không thuốc lá của WHO, phát biểu: “Chúng ta phải bảo vệ các chính sách về sức khỏe công cộng thoát khỏi ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuốc lá. Vì khao khát lợi nhuận, ngành công nghiệp này cố ngầm phá hoại những nỗ lực kiểm soát thuốc lá của các chính phủ”.

Trong một diễn biến khác, trợ lý Bộ trưởng Y tế New Zealand, bà Hon Tariana Turia, đề nghị người dân nước này hãy vui lên vì Ngày Thế giới Không thuốc lá. Bà nói: “Hôm nay là một ngày trọng đại để tán dương tất cả những người đã tiến một bước dài về phía trước bằng cách loại bỏ thuốc lá ra khỏi cuộc đời họ”.

Bhutan, Bộ trưởng Y tế Zangley Dukpa tuyên bố bộ này quan tâm đến sức khỏe của cả người hút thuốc lẫn người không hút thuốc. Ông nói: “Thông điệp của tôi là yêu cầu tất cả mọi người sử dụng thuốc lá hôm nay cố nhịn hút hoặc nhai thuốc lá”.

Trong khi đó, Bộ Phát triển xã hội và y tế Nga lần thứ hai liên tiếp tổ chức hoạt động “31-5 – Ngày từ chối hút thuốc”. Nhờ đó, đã có gần 26.000 người Nga tham gia Câu lạc bộ Không lệ thuộc nicotine.

 

Điếu thuốc điện tử

Theo trang web PRWEB, cuộc vận động “Ân xá thuốc lá” ở Anh nhằm giúp người hút thuốc có cơ hội đổi điếu thuốc lá bằng điếu thuốc điện tử có lợi cho sức khỏe hơn.

Sáng kiến nêu trên nhằm mục đích giới thiệu với người hút thuốc một sự lựa chọn hiện đại – không có chứa thuốc lá, nhựa thuốc hoặc các hóa chất. Điếu thuốc điện tử giống với điếu thuốc lá thật nhưng không có hại cho sức khỏe, rẻ hơn và không bị hạn chế sử dụng nơi công cộng.