25 trường mầm non trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có học sinh mắc bệnh tay chân miệng

(THTG) Theo thông tin của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, đến đầu tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận 25 trường mẩm non có trẻ mắc bệnh tay chân miệng, với 107 trẻ mắc ở 4 ổ dịch.

vlcsnap-2018-10-03-10h19m55s617

Số trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng tại Tiền Giang tăng nhanh. Ảnh: Phi Phụng

Bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu  từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi trong nhà trẻ, mẫu giáo hoặc nhóm trẻ gia đình. Bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

vlcsnap-2018-10-03-10h18m06s263

vlcsnap-2018-10-03-10h19m06s594

Hướng dẫn trẻ rửa tay, thường xuyên vệ sinh môi trường, đồ chơi…để chủ động phòng tránh bệnh tay chân miệng. Ảnh: Thanh Hoàng

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, đặc biệt là dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, ngành y tế cảnh báo, người dân cần chủ động phòng ngừa, nhất là các trường học cần tổ chức tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây lan. Để phòng bệnh, cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên và thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn ghế, sàn nhà. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và thực hiện cách ly đúng quy định.

Tiền Giang có 1.120 trường hợp bị tay chân miệng

Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, đến đầu tháng 10 toàn tỉnh có 1.120 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó nhiều nhất là địa phương: Cái Bè, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công.

Thực hiện theo công văn khẩn của Bộ Y tế, ngành y tế Tiền Giang tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Theo đó, chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả trên địa bàn, tập trung vào các nơi nguy cơ bùng phát dịch, nhất là trong các trường mầm non. Phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.

Thanh Xuân