3.000 tăng ni, Phật tử cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông

Sáng 17/6, tại quần thể Di tích Đền Xã Tắc (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông và động thổ xây dựng Chùa Xã Tắc với sự tham gia của hơn 3.000 tăng ni, Phật tử.

 

Lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Phát biểu khai mạc Lễ cầu nguyện, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Tổ quốc của nòi giống tiên rồng, giang sơn gấm vóc của Việt Nam nối liền một dải từ ải Nam Quan và rừng dương Trà Cổ tới mũi Cà Mau, từ dải Trường Sơn hùng vĩ tới Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông yêu dấu. Chủ quyền của Việt Nam bao gồm đất liền, núi song, vùng trời, vùng biển và hải đảo thiêng liêng bất khả xâm phạm “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”. Có được giang sơn gấm vóc đó là kết quả hàng ngàn năm thấm đẫm mồ hôi và xương máu của lớp lớp ông cha”.

Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mọi người con Phật Việt Nam – con Lạc cháu Hồng nguyện đoàn kết, phát huy tinh thần đại hùng dân tộc, đại lực, đại từ bi hướng tâm về Biển Đông, phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng Biển Đông Việt Nam, vi phạm công ước Liên Hợp Quốc và Luật Biển 1982, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và không có lợi cho mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Việt Nam-Trung Quốc và thế giới”.

 

Đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đã yêu cầu “Trung Quốc rút ngay giàn khoan và chấm dứt việc gây hấn tại Biển Đông. Với tinh thần từ bi, yêu chuộng hòa bình và đối ngoại mọi người con Phật Việt Nam thành tâm cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc, biển đảo bình yên”.

 

Sau Lễ cầu nguyện hòa bình cho Biển Đông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức động thổ khởi công xây dựng chùa Xã Tắc tại TP. Móng Cái, Quảng Ninh.

 

Chùa Xã Tắc được xây dựng trong quần thể di tích Đền Xã Tắc và cột mốc biên giới 1.368 cạnh bờ sông Ka Long, biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.

 

Việc xây dựng chùa Xã Tắc có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc đáp ứng nguyện vọng tâm linh của nhân dân, đồng thời hoàn thiện thiết chế văn hóa đền-chùa truyền thống của người Việt. Việc xây dựng chùa-đền Xã Tắc khẳng định cột mốc chủ quyền về tâm linh văn hóa của dân tộc và đóng góp vào việc tạo lập hòa bình giữa hai dân tộc Việt Trung.

 

Chùa Xã Tắc xây dựng bằng chất liệu gỗ lim, kiến trúc điêu khắc truyền thống của người Việt hài hòa với cảnh quan đền Xã Tắc và cột mốc biên giới 1.368 tạo nên không gian văn hóa tâm linh thiêng liêng. Chùa tựa lưng vào Tổ quốc Việt Nam vững chắc, mặt hướng về bờ sông Ka Long và Biển Đông hùng vĩ, kiến trúc tổng thể bao gồm Tam Bảo thờ Phật, nhà Tổ thờ Trúc Lâm Tam Tổ và bảo tháp thờ Phật, với tư thế vững chãi “Phật tọa dân an”.

Nguồn Chính phủ