4.000 trang sử Nam Bộ kháng chiến
Công trình có giá trị sâu sắc về chính trị, tư tưởng và có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục truyền thống
“Bộ sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (LSNBKC) của tập thể tác giả, trong đó hầu hết là các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cấp ủy Đảng và các tướng lĩnh, những người lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia trực tiếp trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là một công trình đồ sộ, chứa đựng nhiều tư liệu quý, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về hai cuộc kháng chiến anh hùng, kiên cường, thông minh, sáng tạo của nhân dân Nam Bộ”.
Đó là đánh giá của ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, tại lễ tổng kết và công bố công trình khoa học cấp Nhà nước LSNBKC, tổ chức tại TPHCM sáng 31/3/2011.
Bộ sách được Đảng, Nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện từ năm 2002, có bốn quyển, trong đó hai quyển đầu là chính sử, bao gồm LSNBKC 1945-1954 và LSNBKC 1954-1975 có thêm phần Tổng luận 30 năm Nam Bộ kháng chiến. Hai quyển tiếp theo là Biên niên sự kiện LSNBKC 1954-1975 và Những vấn đề chính yếu trong LSNBKC gồm 9 chuyên đề mang tính tổng hợp để soi sáng thêm chính sử. Phần Lịch sử chiến tranh chống Khmer Đỏ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam nằm trong đề cương tổng quan chưa được in trong bộ sách công bố lần này.
Ảnh Minh họa- Nguồn Internet
Theo Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, trên 4.000 trang LSNBKC kế thừa những công trình khoa học đã có trước đây đã đề cập một cách có hệ thống, toàn diện hơn các vấn đề với tôn chỉ phản ánh lịch sử một cách khách quan, không tránh né sự thật. Ông Nguyễn Trọng Xuất, Thư ký Ban Biên soạn, cho biết: “Bộ sách có đóng góp mới về mặt tư liệu, từ đó kéo theo sự đóng góp mới về mặt nhận thức. Sau 35 năm giải phóng miền Nam, đội ngũ người viết LSNBKC có độ lùi thời gian khá dài, có khối lượng tư liệu tham khảo rất phong phú, từ nhiều phía, cả trong và ngoài nước, có những tư liệu chưa công bố và thậm chí chưa giải mã. Quan trọng nhất, những người viết sử cũng là những người đã tham gia làm nên lịch sử”.
Tại buổi công bố bộ sách đã diễn ra một phút mặc niệm tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo biên soạn đồng thời là người viết Lời mở đầu cho bộ sách và những thành viên khác của Hội đồng Chỉ đạo biên soạn đã qua đời trong quá trình bộ sách được dày công thực hiện. Hội đồng Chỉ đạo biên soạn cũng gửi lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước; lãnh đạo TPHCM và các tỉnh, TP phía Nam; Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Quân khu 9 và các đơn vị, cá nhân đã giúp hoàn thành bộ sách. “LSNBKC là công trình kết tinh công sức, trí tuệ của tập thể”- trung tướng Nguyễn Thới Bưng, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chỉ đạo biên soạn, khẳng định.
Đánh giá bộ sách có giá trị sâu sắc về chính trị, tư tưởng và có ý nghĩa lớn lao trong giáo dục truyền thống lịch sử, ông Trương Tấn Sang đề nghị cần tuyên truyền, phổ biến bộ sách đến đông đảo đồng bào trong và ngoài nước, đồng thời nghiên cứu việc bổ sung nội dung bộ sách vào chương trình giáo dục ở các cấp học.
Các đại biểu xem bộ sách Lịch sử Nam Bộ kháng chiến được công bố sáng 31/3/2011
Tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, cho biết TP đã đặt mua 200 bộ sách để chuyển đến các cấp ủy, cán bộ lão thành cách mạng và sẽ tiếp tục đặt mua thêm.
Người Lao động
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.