5 điều Lầu Năm Góc không tiết lộ về quân đội Trung Quốc.

      Trong bản báo cáo mới đây về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói về nhiều điều, như việc Bắc Kinh tiếp tục hiện đại hóa quân đội và mở rộng ảnh hưởng ở bên ngoài. Nhưng cũng có những điều không được nhắc tới trong báo cáo này…

 

Các chiến đấu cơ Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập ở Tây Tạng.

Có thể ví von rằng Bộ Quốc phòng Mỹ dường như đã miêu tả một vật thể vừa quen, vừa lạ trong bảo cáo báo thường niên về quân đội Trung Quốc. Báo cáo đã trả lời các câu hỏi liên quan tới sức mạnh quân sự Trung Quốc nhưng còn nhiều khía cạnh quan trọng khác trong chiến lược quốc phòng của nước này mà Lầu Năm Góc dường như cũng chỉ phỏng đoán.

Dưới đây là những câu hỏi quan trọng nhất về chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh hiện vẫn chưa có lời giải:

1. Kế hoạch chi tiêu quốc phòng lâu dài của Trung Quốc là gì?

Mặc dù ngân sách quốc phòng chính thức dành cho năm 2012 của Trung Quốc là 106 tỷ USD, tăng 11% so với năm ngoái và tăng gấp 4 lần so với một thập kỷ trước, nhưng Lầu Năm Góc dự đoán tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc lên tới từ 120-180 tỷ USD.

Không có đánh giá đáng tin cậy nào về các kế hoạch chi tiêu lâu dài của Bắc Kinh. Theo chiều hướng hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nước chi tiêu cho quân sự lớn nhất thế giới vào những năm 2020 hoặc 2030, dù vẫn còn quá nhiều sự thay đổi không lường trước được để dự báo chính xác khi nào điều này sẽ xảy ra. Nhưng một điều rõ ràng là quân đội Trung Quốc ngày càng được đầu tư nhiều thì nó càng nhanh chóng bắt kịp quân đội Mỹ.

2. Chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là gì?

Lầu Năm Góc cho hay “kho hạt nhân hiện thời của Trung Quốc bao gồm khoảng 50-70 tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Lầu Năm Góc không cố gắng ước tính tổng số vũ khí hạt nhân mà Trung Quốc sở hữu, mặc dù nước này được dự đoán là có kho hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với kho gồm hơn 5.000 vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tuy nhiên, các giả thuyết nói rằng Bắc Kinh sở hữu hoặc có kế hoạch phát triển kho vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều vẫn bị dập tắt. Một tin đồn xuất hiện hồi năm ngoái rằng Trung Quốc có thể có tới 3.500 vũ khí hạt nhân - dựa trên các tin đồn về một mạng lưới rộng lớn các đường hầm ngầm - đã bị bác bỏ, nhưng một số người vẫn cho rằng Bắc Kinh đã nhìn thấy một cơ hội chiến lược trong việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân có thể ngang bằng hoặc thậm chí vượt Mỹ trong những năm tới.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện có 2 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) Type 094 lớp Jin đang trong biên chế và các tên lửa được thiết kế để tranh bị cho tàu ngầm hiện vẫn chưa hoạt động (mặc dù khi đi vào hoạt động, chúng có thể mang đầu đạn hạt nhân). 2 tàu ngầm không phải là to tát đối với một siêu cường đang nổi, nhưng phạm vi thực sự của hạm đội SSBN mà Trung Quốc có kế hoạch xây dựng hiện vẫn chưa rõ.

3. Hải quân Trung Quốc sẽ vươn tới đâu?

Các phân tích Mỹ thường sử dụng cụm từ “chuỗi hạt ngọc trai” để miêu tả chiến lược của Trung Quốc được cho là nhằm thiết lập một mạng lưới các căn cứ hải quân ở nước ngoài, đặc biệt tại Ấn Độ Dương, nhưng Trung Quốc không thừa nhận điều này. Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc không bàn tới việc liệu Trung Quốc có kế hoạch tạo một mạng lưới các căn cứ lâu dài kiểu như của Mỹ cho hải quân nước này hay không.

Tuy nhiên, không thiếu những tin đồn nói rằng Trung Quốc rồi sẽ triển khai các lực lượng quân đội tới các cảng mà nước này đã xây dựng tại những quốc gia như Myanmar, Pakistan và Sri Lanka.

Seychelles đã mời Trung Quốc sử dụng các cảng của quần đảo này làm các địa điểm tiếp tế cho các tàu Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh khẳng định rằng đây không phải là việc thiết lập căn cứ đầu tiên ở nước ngoài, mà gọi là “cảng tiếp tế”. Cuộc tranh luận về “các địa điểm hay căn cứ” đã diễn ra trong vài năm trở lại đây và nó sẽ còn tiếp tục trong khi Bắc Kinh tiếp tục im lặng về các tham vọng dài hạn.

Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cố gắng làm sáng tỏ về chương trình tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, ngoài sự tồn tại của tàu sân bay tàu sân bay của Liên Xô cũ hiện đang chạy thử.

“Một số bộ phận của tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng có thể đang được chế tạo”, báo cáo viết, nói thêm rằng “Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chế tạo nhiều tàu sân bay và các tàu hỗ trợ đi kèm trong thập niên tới”. Đó chỉ là phỏng đoán. Không rõ là liệu Trung Quốc sẽ xem xét phát triển chỉ 2 tàu sân bay như là chiến tích nổi nhằm biểu tượng cho một cường quốc, vài tàu sân bay để hỗ trợ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông hay nhiều tàu sân bay giống đội tàu sân bay của Mỹ với sứ mệnh đẩy mạnh sức mạnh khắp toàn cầu?

4. Khả năng vũ trụ mà Trung Quốc đang phát triển là gì?

Trung Quốc ngày càng trở nên tinh thông trong lĩnh vực vũ trụ. Báo cáo của Lầu Năm Góc nói rằng Trung Quốc đang chế tạo mạng lưới vệ tinh riêng của nước kiểu GPS, đã đưa phòng thí nghiệm vũ trụ Thiên cung-1 lên quỹ đạo vào năm 2011 và phát triển tên lửa chống vệ tinh phóng từ mặt đất để cải thiện khả năng phòng thủ không gian. Nhưng Lầu Năm Góc đã không đề cập tới một trong những chương trình vũ trụ tham vọng nhất của Trung Quốc: phát triển máy bay vũ trụ Thần Long (Shenlong) và có thể là phát triển các hệ thống đẩy tiên tiến đi kèm, mà sự tồn tại của nó có thể gia tăng nguy cơ về một cuộc đua không gian quân sự với Mỹ.

Chưa rõ liệu Thần Long có phải là cái gì đó lớn hơn một thí nghiệm công nghệ cao hay không. Nhưng vì tiềm năng quân sự của Thiên Long, bất kỳ thông tin vào về nó có thể làm dịu đi hoặc làm trầm trọng thêm các lo ngại ngày càng gia tăng trong quân đội Mỹ rằng không quân Trung Quốc rất quan tâm tới các chương trình vũ trụ.

5. Hổ giấy hay rồng lửa?

Còn có nhiều điều không thể lường trước được về quân đội Trung Quốc. Tình báo mạng Trung Quốc từng đạt được hiệu quả trong việc thu thập các bí mật quân sự nước ngoài. Tuy nhiên, chưa rõ là họ đã đạt được bao nhiêu thành công và hiệu quả trong việc tiếp thu và ứng dụng thông tin thu thập được vào trong các chương trình quân sự và học thuyết quân sự của họ.

Việc đại tu nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã cách mạng hoá các khả năng nội địa của nước này, nhưng Trung Quốc đã thực sự giải quyết được các nút thắt trong các quy trình và cấu trúc công nghiệp quân sự?

Tất cả những điều bí ẩn dẫn tới một câu hỏi lớn rằng: liệu sức mạnh thực sự của quân đội Trung Quốc có bị thổi phồng? Sức mạnh quân đội Trung Quốc chưa được kiểm chứng. Trong trường hợp xây ra xung đột, liệu khả năng của họ có đáp ứng được mong đợi của đất nước, hay liệu các yếu tố bất lợi như tham nhũng và thiếu kinh nghiệm trầm trọng có làm huỷ hoại sức chiến đấu?

Quân đội Trung Quốc trong thế kỷ 21 được xây dựng để hỗ trợ và đối trọng với Đảng Cộng sản trong nước trong một thế giới mà Bắc Kinh dự đoán rằng chiến tranh quy mô lớn ngày càng khó xảy ra. Có thể câu trả lời cho những câu hỏi này đang bị chôn vùi tại một khu vực bí mật ở Lầu Năm Góc, nhưng chúng không xuất hiện trong báo cáo mới nhất.