71% người tiêu dùng tin tưởng hàng Việt

Hiện nay đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trong đó, có đến gần 60% người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh lựa chọn hàng Việt; tại Hà Nội, con số này là 83%.

 

 Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng hàng Việt  (Ảnh minh hoạ: K.D)

Con số này vừa được bà Hồ Thị Kim Thoa – Thứ trưởng Bộ Công Thương công bố ngày 8/1 về kết quả thực hiện cuộc vận động năm 2013 . Theo đó, sau 4 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có những kết quả tích cực, tạo tiền đề triển khai hiệu quả cuộc vận động trong những năm tiếp theo. Cụ thể, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm  tỷ trọng lớn từ 80 – 90%. Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) cũng có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

Còn theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, kể từ khi phát động cuộc vận động, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, kết quả từ cuộc vận động đã giúp cả nước hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ 12 tháng năm 2013 ước đạt 2.617.963 tỷ đồng, tăng 12,6% so với năm 2012 (tính từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10% so với năm kế trước); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12 năm 2011, thấp xa so với kế hoạch mà Quốc hội đã đề ra là dưới 10%, năm 2013 chỉ tăng 6,04% so tháng 12 năm 2012 và đây là năm có CPI tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Cuộc vận động cũng góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu. Năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD chỉ bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Đặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (năm 2012 xuất siêu 287 triệu USD, năm 2013 xuất siêu 862 triệu USD).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình hành động vẫn chưa đồng đều tại nhiều địa phương. Cụ thể, khi tham gia cuộc vận động này, nhiều đơn vị có biểu hiện giao khoán cho Ban chỉ đạo Cuộc vận động, hay có hình thức, đối phó, biện pháp còn chung chung, thiếu cụ thể. Đặc biệt, trong khi nhiều doanh nghiệp phải tự đấu tranh với hàng giả, hàng nhái để bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm của mình thì các cơ quan chức năng lại chưa làm tốt chức năng quản lý nhà nước. Việc quản lý thị trường hàng nhập khẩu chưa chặt chẽ khiến nhiều hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng và gây khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nước…

Trong thời gian tới, để chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa nước ngoài, Bộ Công Thương đưa ra mục tiêu đến năm 2015 với 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến cuộc vận động dùng hàng Việt.

Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về chủ trương của Cuộc vận động. Đặc biệt, tập trung tăng thị phần hàng Việt tại các kênh phân phối truyền thống lên trên 70%. Đồng thời, giảm 50% hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm so với năm 2012./.

Nguồn ĐCSVN