80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Dân quân tự vệ
Tháng 3-1935, tại Đại hội lần thứ Nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc), ngoài những nghị quyết chỉ ra đường lối cách mạng về các mặt công tác để chuẩn bị điều kiện cho phong trào cách mạng Đông Dương bước sang một thời kỳ mới; Đại hội đã có “Nghị quyết về đội tự vệ” được thông qua ngày 28-3-1935. Đây là một mốc son lịch sử của DQTV Việt Nam và ngày 28-3 hằng năm là Ngày truyền thống của DQTV.
NHỮNG THÀNH TÍCH CỦA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ 80 NĂM QUA
TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945
Những năm 1930 – 1931, cả nước có rất nhiều cuộc bãi công, biểu tình liên tiếp nổ ra ở hầu khắp các địa phương, mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh. Thời kỳ này, Đảng ta đã xác định lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu; tuy nhiên, Đảng ta cũng xác định một số vấn đề cơ bản về khởi nghĩa vũ trang, vũ trang bạo động; coi khởi nghĩa vũ trang là sự nghiệp của đông đảo quần chúng. Do đó, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (tháng 3-1931), Đảng ta chủ trương, khi giành được chính quyền thì thành lập “Quân đội công nông”.
Lễ ra quân huấn luyện lực lượng tự vệ cơ quan, xã, phường tại Bộ Chỉ huy Quân sự TP. Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh |
Trong những năm 1932 – 1940, phong trào cách mạng của quần chúng đã chuyển từ đấu tranh chính trị từng bước tiến lên đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự. Một số đội du kích ra đời và phát triển thành các trung đội Cứu quốc quân. Lực lượng tự vệ được khẩn trương xây dựng ở trên khắp các tỉnh, nhất là ở Bắc Bộ, Trung Bộ.
Thời kỳ chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1940 – 1945), đi đôi với chủ trương mở rộng và củng cố các đội tự vệ ở khắp các vùng nông thôn, thành thị, Đảng ta đã chủ trương thành lập các đội tự vệ cứu quốc, các tổ, tiểu đội du kích cứu quốc và các đội du kích chính thức.
Các đội tự vệ đã trở thành tổ chức vũ trang quần chúng của các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, được xây dựng ở các căn cứ, địa phương có điều kiện; phối hợp với các đơn vị Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa từng phần, tiến hành chiến tranh du kích cục bộ, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa Việt Bắc, Đông Bắc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Ba Tơ v.v…
Đến tháng 8-1945, lực lượng DQTV đã phát triển lên tới vài chục nghìn người cùng với lực lượng giải phóng quân và toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa.
CÁCH MẠNG THÁNG 8 NĂM 1945
Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, DQTV Việt Nam trở thành lực lượng vũ trang của Nhà nước, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân. Lực lượng này đã thực sự là một công cụ chuyên chính chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ và thành quả cách mạng.
Ngày 23-9-1945, Quân đội Pháp được quân Anh giúp sức nổ súng gây chiến tranh xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các địa phương ở miền Nam nhất là Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, lực lượng DQTV đã phối hợp với bộ đội chủ lực anh dũng chiến đấu ngăn chặn địch, diệt ác, trừ gian, phá hoại đường giao thông.v.v.
Ở miền Bắc, lực lượng DQTV phối hợp với Công an nhân dân và Vệ quốc quân tham gia trừng trị bọn phản động, tích cực chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 -1954)
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác (19-12-1946), lực lượng DQTV và du kích phát triển rộng khắp trong cả nước và ngày càng lớn mạnh.
Từ chỗ là lực lượng vũ trang quần chúng do Mặt trận chỉ đạo, DQTV đã từng bước được thống nhất về tổ chức, là một bộ phận trong Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam do các xã đội, huyện đội, tỉnh đội chỉ đạo, chỉ huy và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng các cấp. Đây là bước phát triển mới về chất của lực lượng DQTV.
Đến đầu năm 1947, lực lượng DQTV đã phát triển lên gần 3 triệu người, riêng ở Thủ đô Hà Nội có 6.000 đội viên. Ở chiến trường Nam Bộ, lực lượng dân quân du kích phát triên trên 27 vạn (nữ có 5,7 vạn); trong đó, du kích chiến đấu là 1,4 vạn.
Ở chiến trường Trung Bộ, đến cuối năm 1949 phát triển 28,5 vạn dân quân du kích, 22.000 bạch đầu quân. Ở Bắc Bộ, dân quân du kích phát triển mạnh với hơn 27,9 vạn người với đủ các lứa tuổi, trai, gái.
Trong điều kiện hết sức khó khăn gian khổ, bằng các loại vũ khí thô sơ tự tạo và vũ khí lấy được của địch, phải đương đầu với quân đội viễn chinh Pháp được trang bị hiện đại, lực lượng DQTV và du kích đã cùng nhân dân xây dựng làng xã chiến đấu, dựa vào hệ thống này kiên cường bám đất, bám dân, tiêu hao lớn quân địch, phá tề, trừ gian; tích cực phối họp với bộ đội địa phương chống địch càn quét, bao vây, bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt địch, giải phóng làng xã, mở rộng các khu căn cứ du kích;
Lực lượng DQTV và du kích đã tích cực kiềm chế, căng kéo lực lượng địch, buộc địch phải phân tán đối phó, tạo điều kiện và góp phần cùng bộ đội chủ lực thực hiện nhiều chiến dịch lớn, đánh bại các biện pháp chiến lược của địch, giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975)
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, lực lượng DQTV ở miền Bắc đã tích cực tham gia cải cách ruộng đất, đánh đổ địa chủ, phong kiến, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất; tham gia bắt gọn nhiều toán biệt kích Mỹ – Ngụy tung ra miền Bắc.
Trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc chủ yếu bằng không quân, hải quân hiện đại của đế quốc Mỹ, lực lượng phòng không DQTV miền Bắc đã được tổ chức trên 700 phân đội, tăng cường trang bị nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại như: Súng máy cao xạ 12,7mm, 14,5mm, 58 đại đội pháo cao xạ 37mm đến 100mm và 36 phân đội pháo binh các loại đánh tàu chiến địch.v.v.
Lực lượng DQTV đã phối hợp với bộ đội, công an và nhân dân thực hiện “tay cày tay súng, tay búa tay súng” chiến đấu liên tục ngày đêm. Cùng với mạng lưới bắn máy bay địch bay thấp bằng súng bộ binh hình thành lưới lửa tầm thấp dày đặc vô cùng lợi hại, DQTV đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội phòng không, không quân bắn rơi nhiều máy bay địch.
Riêng DQTV đã độc lập bắn rơi 424 máy bay các loại trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc (chiếm 10%), bắt sống hàng trăm tên giặc lái và hàng chục toán biệt kích, bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch.
Lực lượng dân quân du kích ở miền Nam luôn chủ động đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, vận dụng các hình thức đánh địch hết sức phong phú, sáng tạo trên khắp 3 vùng chiến lược (vùng rừng núi, vùng nông thôn đồng bằng, vùng thành thị); kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), hình thành thế trận chiến đấu, phát triển các căn cứ chiến đấu, vành đai du kích, vành đai diệt Mỹ… thực hiện bám trụ kiên cường, giữ thế xen kẽ, cài răng lược với địch.
Đây là một phương thức tác chiến, một cách đánh độc đáo, sáng tạo của chiến tranh du kích Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, lực lượng DQTV cùng bộ đội chủ lực và toàn dân miền Nam tiến công và nổi dậy đồng loạt; xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
GIAI ĐOẠN CẢ NƯỚC THỐNG NHẤT ĐI LÊN CNXH
DQTV Việt Nam đã làm nòng cốt cho nhân dân ở cơ sở khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực rà phá bóc gỡ bom mìn địch, giải phóng hàng triệu ha đất canh tác để nhân dân khôi phục sản xuất, tiêp tục truy quét tàn quân, bọn phản động của địch còn cài cắm lại.
Lực lượng DQTV đã được huy động hàng triệu lượt người tham gia xây dụng tuyến phòng thủ biên giới; phối hợp và phục vụ bộ đội chiến đấu góp phần quan trọng và thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam; phối hợp với Công an nhân dân và các lực lượng khác thực hiện tốt việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Lực lượng DQTV được tổ chức, biên chế tinh gọn, có số lượng phù hợp theo quỵ định của Pháp lệnh DQTV (2004) và Luật DQTV (2009), chất lượng tổng hợp được nâng cao. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã chỉ đạo làm tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi DQTV; tỷ lệ DQTV so với dân số toàn quốc ngày một tăng lên và chất lượng không ngừng được nâng cao.
Tổ chức, biên chế lực lượng phù hợp với tình hình thực tiễn và tính chất hoạt động của DQTV; có lực lượng cơ động, chiến đấu tại chỗ và lực lượng binh chủng, lực lượng DQTV hoạt động trên biển theo sự chỉ đạo của cơ quan quân sự địa phương.
Cùng với các lực lượng khác, DQTV đã góp phần làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lưc thù địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững ổn định chính trị, củng cố tăng cường quốc phòng – an ninh trên phạm vi cả nước cũng như ở mỗi địa phương – Lực lượng DQTV đã thực sự là công cụ chủ yếu bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân ở cơ sở.
Từ năm 2002 đến nay, lực lượng DQTV đã có 16.761.878 người với 42.617.994 ngày công tham gia trực sẵn sàng chiến đấu và tuần tra canh gác; 43.167 người với 189.860 ngày công tham gia bảo vệ biên giới đất liền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo Việt Nam; 887.093 ngày công tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; 2.093.931 người tham gia với 5.345.537 ngày công tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và 3.895.344 người với 9.218.882 ngày công vận động quần chúng tham gia xây dựng cơ sở.
Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, DQTV luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, dân tộc và nhân dân, lập nên nhiều chiến công to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.
Ngày nay, truyền thống đó đã và đang được kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Qua các thời kỳ cách mạng đã có 370 tập thể và 284 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Nguồn Báo Ấp Bắc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.