85 năm tiên phong mở đường trong lịch sử dân tộc và thế giới

Cách đây hơn 150 năm, dân tộc ta bước vào thân phận thuộc địa. Hàng loạt phong trào đấu tranh yêu nước và giải phóng dân tộc đã diễn ra sôi động trên mảnh đất Việt Nam dưới ngọn cờ tụ nghĩa của các sĩ phu phong kiến yêu nước, các lãnh tụ nông dân, hoặc những người con ưu tú của tầng lớp trí thức tiểu tư sản và tư sản dân tộc…

Ngọn lửa đấu tranh ngày đêm toả sáng, mà bầu trời quê Việt vẫn không thoát khỏi đêm đen nhà tan, nước mất do con đường cách mạng giải phóng dân tộc và chấn hưng quốc gia không phù hợp, không đủ sức giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam lúc đó. Đúng vào thời điểm chất chứa đòi hỏi nóng bỏng ấy, mùa xuân năm 1930,  Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời như một tất yếu lịch sử. Với đường lối tiến hành tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa  xã hội; tập hợp giai cấp công nhân, nông dân và tất cả các lực lượng yêu nước thành khối sức mạnh thống nhất, Đảng đã khắc phục được tình trạng khủng hoảng về con đường, mở ra bước ngoặt vận động cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng Việt Nam.

 

  Ảnh minh họa: tuyengiao.vn


15 năm sau khi được thành lập, nhờ biết hội tụ đầy đủ và phát triển kịp thời ánh sáng từ ngọn lửa đấu tranh truyền thống của dân tộc và ngọn hải đăng vĩ đại Tháng Mười Nga, Đảng đã tập hợp, tổ chức và dẫn dắt nhân dân ta lập nên kỳ tích lịch sử đầu tiên mang tầm vóc thời đại: Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2 – 9 – 1945. Sau hơn một thế kỷ bị mất tên trên bản đồ chính trị thế giới, Việt Nam trở thành quốc gia độc lập có chủ quyền. Nhân dân ta từ phận dân An Nam nô lệ trở thành người làm chủ chế độ xã hội. Cách mạng nước ta chứng minh hùng hồn một sự thật rằng, một nước dân không đông, đất không rộng nếu có sự lãnh đạo đúng đắn và biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, hoàn toàn có khả năng đánh bại ách đô hộ thực dân, phong kiến.

Các thế lực thực dân, đế quốc không đủ khả năng nhận thức những xu thế khách quan của lịch sử trong thời đại của cách mạng vô sản, đã thực hiện dã tâm xâm lược Việt Nam hòng dập tắt ngọn đuốc giải phóng vừa bùng cháy. Sau biết bao cố gắng cứu vãn hòa bình bị từ chối, nhân dân Việt Nam lại phải đi tiếp cuộc trường chinh chiến đấu 9 năm chống thực dân Pháp (1945 – 1954) và 20 năm chống đế quốc Mỹ (1955 – 1975). Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và  đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là những cột mốc chói lọi mang đậm dấu ấn Việt Nam trong lộ trình đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đế quốc, giành độc lập cho các dân tộc và  tự do, hạnh phúc cho nhân dân của hàng trăm quốc gia trên thế giới.

Trên thực tế, Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam và những thắng lợi vĩ đại 1954, 1975 đã mở ra quá trình tan rã không gì cưỡng lại được của hệ thống thuộc địa mà thực dân đế quốc tạo lập ròng rã suốt 5 thế kỷ; đồng thời khai sinh ra kỷ nguyên của độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội cho đông đảo các quốc gia Á, Phi, Mỹ La tinh. Từ trong khói lửa đấu tranh của nhân dân Việt Nam, đã ra đời một chân lý thời đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Ở tầm cao của những kỳ tích lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước và tham gia khai mở những khuynh hướng vận động tích cực của thế giới giữa thế kỷ XX đầy biến động.

Từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, chế độ xã hội chủ nghĩa trên thế giới  lâm vào khủng hoảng và đứng trước thử thách ngày càng nghiêm trọng. Ở nước ta, tư duy, mô hình và đường lối, chính sách xây dựng chủ nghĩa xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn. Trước tình hình ấy, Đại hội VI (năm 1986) đã “nhìn thẳng vào sự thật”, đầy bản lĩnh tự phê bình và bừng sáng tư duy, đường lối đổi mới chủ nghĩa xã hội, đổi mới đất nước. Quan điểm “tôn trọng quy luật khách quan”, kiên quyết khắc phục “căn bệnh chủ quan, duy ý chí” được khẳng định trong Đại hội không chỉ có ý nghĩa chỉ đạo toàn bộ công cuộc đổi mới ở Việt Nam, mà còn là sự đóng góp kịp thời, to lớn đối với sự khởi đầu của quá trình các lực lượng cộng sản trên thế giới nhận thức đúng đắn về những vấn đề lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội.

Công cuộc đổi mới diễn ra được 5 năm thì Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) tan rã (tháng 12 năm 1991); trước đó, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước Đông Âu đã sụp đổ. Một câu hỏi nóng bỏng và sống còn được đặt ra là: chủ nghĩa xã hội sẽ tạo lập nguồn sinh lực mới như thế nào để vượt qua khủng hoảng, thoái trào và tiến lên phía trước ? Với kho tàng trí tuệ và bản lĩnh của một bộ tham mưu chiến đấu dày dạn kinh nghiệm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn Liên Xô từ khủng hoảng đến tan rã là do đường lối cải tổ sai lầm về tư tưởng, chính trị và tổ chức, tạo cơ hội cho các phần tử phản bội trong chóp bu lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết thủ tiêu sự nghiệp cách mạng. Đảng ta kiên định con đường đã chọn, vững vàng bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa bằng cách tiếp tục đổi mới chủ nghĩa xã hội bất chấp mọi sóng cồn, gió cả của thời cuộc, góp phần giải quyết nhiều câu hỏi lớn của loài người trong những bước vận động quanh co của lịch sử.

Từ thời điểm 1991 trở đi, công cuộc đổi mới ở Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh ngày càng toàn diện. Nhận thức và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng tỏ hơn, trong đó đặc trưng hàng đầu là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gọi khái quát là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, được khẳng định là mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được xây dựng ngày càng hoàn thiện. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy. Hệ thống chính trị và phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới mạnh mẽ. Đường lối quốc phòng và an ninh quốc gia được kế thừa và phát triển phù hợp. Đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế được thực hiện nhất quán. Nhạy bén nắm bắt và giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…

Đường lối đổi mới đúng đắn trên các lĩnh vực chủ yếu nêu trên trong gần 30 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Môi trường hòa bình và các điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển quốc gia được xác lập ngày càng toàn diện, vững chắc. Đất nước duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh khu vực và thế giới đầy diễn biến rối loạn. Đời sống vật chất và tinh thần của tuyệt đại nhân dân được nâng cao rõ rệt. Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ được đảm bảo. Uy tín, vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp quốc gia được tăng cường… Nhiều cột mốc tốt đẹp đã được xác lập: năm 1996, cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội kéo dài từ giữa thập kỷ 70 được khắc phục, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; năm 2010, đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, được xếp vào danh sách các quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới…

Khởi xướng kịp thời và lãnh đạo thành công công cuộc đổi mới, Đảng ta góp phần tích cực vào sự hình thành tư duy hiện đại về phát triển và thực hiện mục tiêu phát triển trong những thập kỷ vừa qua, đặc biệt là trong những năm sau cuộc khủng hoảng 2008. Vào thời điểm bản lề giữa hai thế kỷ XX và XXI, đã xuất hiện nhiều mô hình tăng trưởng kinh tế phản phát triển. Chúng tạo ra những nghịch lý đẩy quá trình phát triển của hàng loạt quốc gia vào phá sản, bế tắc. Ở đó, sự tăng trưởng kinh tế phải trả giá rất đắt bằng sự suy thoái xã hội, băng hoại tinh thần, tàn phá môi trường sinh thái…; sự giàu có của người này được thực hiện trên cơ sở sự nghèo khổ của người khác… Theo Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), năm 1999 toàn thế giới có 85 quốc gia có mức sống thấp hơn so với năm 1989. Số lượng các nước kém phát triển nhất (LDC) tăng từ 25 nước năm 1971 lên 49 nước năm 2000. Những nước này chiếm 13% dân số thế giới nhưng chỉ có 1% GDP, 0,6% kim ngạch nhập khẩu và 0,4% kim ngạch xuất khẩu. Không thể nói gì khác, nhiều học giả tư sản đã lớn tiếng phê phán cái thế giới đầy bất công và nghịch lý này là “một thế giới không thể chấp nhận được” (René Dumond).

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay đã làm cộng đồng quốc tế thức tỉnh nhiều nhận thức quan trọng. Đây không đơn thuần là sự sụp đổ của hàng loạt hệ thống ngân hàng, chính sách tài chính, cơ cấu kinh tế, chuỗi thị trường toàn cầu…, mà sâu xa nhất, đó là sự phá sản của một kiểu tăng trưởng, một mô hình phát triển mà đa số các quốc gia trên thế giới triển khai từ nhiều thập kỷ vừa qua. Trong nỗ lực tìm kiếm một mô hình mới, thế giới đồng tình khẳng định rằng cần đảm bảo sự hài hòa giữa kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, môi trường… trong sự phát triển. Nhìn sâu xa hơn, đây chính là thời điểm mà từng quốc gia dân tộc cần góp phần tư duy lại, xây dựng nhận thức mới về sự phát triển trong kỷ nguyên của cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu toàn cầu…

Trong bối cảnh đầy thách thức ấy, Đại hội XI của Đảng (tháng 1 năm 2011) sáng suốt khẳng định chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và mô hình phát triển nói chung theo hướng chú trọng chất lượng, chiều sâu, hiệu quả, lấy phát triển bền vững làm chủ đạo. Ngay sau Đại hội, chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế được xây dựng và triển khai với 3 trọng tâm: đầu tư công, hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, hàng loạt chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực khác đều được bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Nhờ vậy, ngay trong tình trạng kinh tế thế giới suy thoái và an ninh, xã hội, chính trị toàn cầu bất ổn, những năm vừa qua Việt Nam vẫn cơ bản duy trì được sự ổn định vĩ mô, kinh tế tăng trưởng khá, xuất nhập khẩu tăng mạnh, hội nhập quốc tế sâu rộng, có hiệu quả…

Với những thắng lợi đã giành được trong 85 năm qua từ khi có Đảng lãnh đạo, Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Đánh giá vai trò của Đảng ta, đại diện các lực lượng cộng sản, cách mạng trên thế giới đã chính thức khẳng định:

“Những quan điểm phát triển đúng đắn và những thành tựu phát triển đáng khích lệ có giá trị quan trọng đem lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam vai trò là người mở đường trong lịch sử” (U. Koichiro, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản); “Những thành tựu trong việc cụ thể hóa một con đường thích hợp qúa độ lên chủ nghĩa xã hội  không chỉ là tài sản vô giá của những người cộng sản Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng và tin tưởng đối với những người cộng sản và cách mạng trên toàn thế giới” (Juan Cadanova, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha); “Với cả niềm khát khao và tính hiện thực, các đồng chí cộng sản Việt Nam đang tiếp cận những vấn đề to lớn mà thời đại chúng ta đặt ra” (J. Pall Mangnon, Ủy viên Ban Thư ký toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp); “Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra các giải pháp và cách tiếp cận có tầm quan trọng phổ quát trong kỷ nguyên toàn cầu hóa” (Jeane Fistaman, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Mỹ); “Tư duy đúng đắn và những kết quả đạt được của Đảng và nhân dân Việt Nam giúp toàn thể nhân loại thảo luận không chỉ về một sự khởi đầu mới, mà cả về khả năng tiến lên phía trước” (Christian Koberz, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Đức)…

85 năm tiên phong mở đường và lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới, đổi mới và hội nhập quốc tế, đặt quốc gia dân tộc vào những quá trình vận động chủ lưu của thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân cả nước vẫn gọi Đảng bằng danh xưng quen thuộc: “Đảng ta” ! Với những thành tựu và đóng góp trong suốt 85 năm qua, Đảng ta cũng thật sự tự hào là một trong những đội ngũ tiên phong thực hiện những mục tiêu cao cả của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Một đảng có pho lịch sử vẻ vang như vậy, nhất định sẽ biết vượt qua những khó khăn, thách thức, trong đó có cả thách thức do các yếu kém chủ quan gây ra, để tiếp tục lãnh đạo đất nước vươn tới những tầm cao mới./.

Nguồn Chính phủ