9 dược liệu tốt cho bà bầu

      Sức khỏe thai nhi là mối quan tâm hàng đầu của thai phụ và gia đình. Hiện nay, sản phẩm dành cho phụ nữ mang thai ngày càng đa dạng, trong đó, nhiều người rất thích sử dụng dược liệu Đông y.

     So với thuốc tân dược, Đông y thường ít ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Dưới đây là chín loại thảo dược được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc Đông y có lợi cho các bà bầu, hỗ trợ làm giảm các triệu chứng ốm nghén, giúp an thai, giảm nguy cơ động thai, sảy thai.

     1. Thục địa

     Thục địa là phần rễ của cây địa hoàng, được chế biến có màu đen, mềm. Đây là dược liệu thường được dùng để bổ thận, dưỡng âm, bổ máu. Bản thân thục địa thường có mặt trong các bài thuốc chữa các vấn đề sinh lý của phụ nữ như kinh nguyệt không đều hoặc thể trạng yếu như sắc da tái nhợt, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, thiếu máu. Sử dụng thục địa hợp lý có thể giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch của thai phụ, giúp hết cảm giác mệt mỏi, đau lưng khi mang thai.

     2. Hoài sơn

     Hoài sơn là tên gọi của củ mài, thường được dùng trong các món ăn, bánh trái. Dược liệu này có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận, chỉ tả lỵ.

                    

                    HoaiSon.JPG
                    Hoài sơn.

     Thai phụ sử dụng hoài sơn có thể giúp bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, tiêu chảy, lỵ, tiêu khát, mỏi lưng, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm. Các bà bầu có thể sử dụng trực tiếp củ mài bằng cách nấu với gạo nếp thành cháo củ mài, giúp trị tiêu chảy, khí huyết hư, chán ăn, khô miệng khát nước, táo bón. Củ mài cũng có thể được thái lát, phơi khô và tán thành bột để sử dụng kết hợp các loại dược liệu khác, sắc uống theo chỉ định của thầy thuốc.

     3. Hương phụ

     Đây là phần thân rễ phơi hoặc sấy khô của cây củ gấu, có vị cay hơi đắng, vị ngọt, tính bình. Thuốc có tác dụng ức chế tử cung, thường được dùng làm thuốc điều kinh, trị đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt, băng huyết, rong huyết. Đối với phụ nữ mang thai, hương phụ đặc biệt có hiệu quả trong việc giảm đau, nhất là đau bụng nôn mửa hoặc đau bụng đi ngoài. Ngoài ra, dược liệu còn hỗ trợ làm giảm tình trạng tiêu hóa kém, ăn uống không ngon miệng. Hương phụ có thể được dùng riêng hoặc kết hợp với Ích mẫu.

     4. Tục đoạn

     Dược liệu này có tên gọi khác là sâm nam. Phần rễ phơi hay sấy khô của cây tục đoạn, có tác dụng chữa đau lưng, mỏi gối và đặc biệt là vị thuốc hành huyết, chỉ huyết, giảm đau an thai, giảm nguy cơ động thai. Tục đoạn được sử dụng trong các bài thuốc phòng ngừa sẩy thai trong trường hợp hay đẻ non; chữa động thai, dọa sẩy thai khi thai được 2-3 tháng; chữa kinh nguyệt quá nhiều, kinh màu nhạt; chữa sữa không thông, ít sữa sau sinh. Thuốc có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, không độc.

     5. Trần bì

     Theo Đông y, trần bì – vỏ quýt chín phơi khô, có vị đắng, cay, tính ấm, vào hai kinh tỳ, phế, có tác dụng điều hoà khí, tiêu đờm, ráo thấp, tiêu chất bị ứ đọng, làm mạnh tỳ, được dùng chữa các chứng tức ngực, đầy bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, tiêu chảy, ho có nhiều đờm. Đối với phụ nữ mang thai, trần bì có hai công dụng hữu hiệu là kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, giúp giảm cảm giác buồn nôn do triệu chứng ốm nghén gây ra.

     6. Sa nhân

     Đây là quả gần chín hoặc sấy khô của cây sa nhân, thuộc họ gừng, là một loại thuốc giúp kích thích hệ tiêu hóa, thường được làm gia vị hoặc tạo mùi cho rượu. Sa nhân còn có tác dụng tốt đối với việc ngừng tiêu chảy – một triệu chứng thường gặp ở các bà bầu. Đặc biệt, sa nhân có công năng hoạt khí, trừ thấp và an thai. Sa nhân được dùng phối hợp với bạch truật và tô cánh để chữa ốm nghén hoặc động thai. Mỗi ngày, thai phụ nên dùng 2-6 gram dạng thuốc sắc hoặc theo chỉ định của thầy thuốc.

     7. Tía tô

     Tía tô là loại rau gia vị phổ biến, quen thuộc, đồng thời cũng là một vị thuốc Đông y hữu hiệu. Nhiều người mới chỉ biết đến tác dụng giải cảm của tía tô, tuy nhiên đây còn là một vị thuốc an thai, dưỡng thai hiệu quả. 

                    

                    tia-to-1372647170_500x0.jpg
                    Tía tô.

     Tía tô sắc kết hợp với một số loại dược liệu khác có thể dùng để chữa chứng ốm nghén, buồn nôn; điều trị khi thai phụ bị đau bụng, đau lưng, ra huyết; khi chị em bị nóng trong bụng, cồn cào, nước tiểu đỏ lượng ít, ăn uống kém, sưng đau lợi răng, táo bón, tiêu hóa không thông lợi (nhiệt thai); khi bị phù nề, tiểu ít, tê bì hai chi dưới; hoặc khi bị ho hen, nhiều đờm, khó thở. Tuy nhiên các bà bầu và gia đình cần chú ý tuyệt đối không sắc nước lá tía tô uống thường xuyên vì có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy, mọi thang thuốc cần phải được sắc và uống theo chỉ định của thầy thuốc.

     8. Gai vị

     Gai (rễ) vị chính là củ gai, là phần rễ được phơi hoặc sấy khô của cây gai – loại cây có lá được sử dụng để làm món bánh gai nổi tiếng. Gai vị là một vị thuốc an thai phổ biến. Trường hợp bị dọa sẩy thai nên dùng 30gram rễ cây gai mới hái hoặc phơi khô sắc với 600ml nước, cô làm 200ml chia làm 3 lần uống trong ngày. Chỉ một, hai ngày là có kết quả, không nên kéo dài. Gai vị còn là vị thuốc lợi tiểu, trị chứng tiểu tiện, đại tiện ra máu, viêm tử cung, sa tử cung. Củ gai tươi cũng có tác dụng rất tốt cho người mẹ mang thai, có thể dùng cho người mang thai như một loại thực phẩm bổ dưỡng an thai bằng cách nấu với gà ác, móng giò, bồ câu… thành các món ăn bổ dưỡng hoặc luộc ăn, đun sắc nước để uống thay nước uống hàng ngày…

     9. Ngải cứu

     Đây cũng là một loại rau gia vị phổ biến có tác dụng tốt với phụ nữ mang thai. Từ xa xưa, ngải cứu được xem như là một vị thuốc quí, có tác dụng xoa dịu những cơn đau cơ, giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng và được sử dụng trong một số bài thuốc dành cho người bị động thai hay sảy thai liên tiếp.

                    

                    Ngaicuu.JPG
                    Ngải cứu.

     Ngải cứu có thể được ăn kèm với trứng hoặc sắc lấy nước uống. Ngoài tác dụng an thai , vị thuốc còn giúp tuần hoàn máu, giảm cơn đau vùng bụng, làm thuốc điều kinh hoặc hồi phục sức khỏe cho phụ nữ trong thời kỳ cho con bú. Ngoài ra, ngải cứu còn có tác dụng dùng để chữa đau lưng, đau khớp háng, đau hông cho phụ nữ mang thai bằng cách chườm lá ngải cứu. Lấy lá ngải cứu rửa sạch trộn lẫn muối hạt to rồi nướng nóng hoặc rang lên, sau đó bọc qua một lớp khăn mỏng chườm vào phần bị đau nhiều lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Làm theo cách này 3-5 ngày liên tục, triệu chứng sẽ thuyên giảm.

     Nhìn chung, các loại dược liệu trên đều an toàn cho phụ nữ mang thai, tuy nhiên cần phải sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Thai phụ và gia đình không nên tự ý sử dụng hoặc chỉ tham khảo kinh nghiệm “truyền miệng” mà cần phải có chỉ định rõ ràng của thầy thuốc tại các phòng khám Đông y. Nếu không có điều kiện, thời gian để sắc thuốc và mang theo tại nơi làm việc, các bà bầu có thể tham khảo sử dụng các loại sản phẩm có chiết xuất từ các loại thảo dược này.

     Hiện nay trên thị trường, những sản phẩm này được phân phối khá rộng rãi, kết hợp các loại thảo dược theo công thức, tính toán liều lượng hợp lý, an toàn, giữ nguyên công dụng, tính chất của các bài thuốc cổ truyền nhưng tiện lợi, dễ sử dụng.