Giây phút hy sinh của 19 lính cứu hỏa Mỹ

       Giữa ngọn lửa bùng lên dữ dội vì gió mạnh đổi chiều, những người lính cứu hỏa viện đến giải pháp cuối cùng: bung những tấm chắn lửa ra và nằm úp mặt xuống đất. Nhưng những lá chắn ấy đã không thể cứu được họ.

                    

arizona-creww-2-2604576b-1372737974_500x
                    19 lính cứu hỏa thiệt mạng nằm trong nhóm cứu hỏa tinh nhuệ Hotshot. Ảnh: AP

     Một đoàn xe hôm qua lặng lẽ đưa thi thể của 19 người lính cứu hỏa rời khỏi phố núi Yarnell, bang Arizona. Vụ cháy rừng, thủ phạm cướp đi mạng sống của họ hôm 30/6, đã vượt khỏi tầm kiểm soát.

     Hơn 200 lính cứu hỏa đã được điều động đến Yarnell để tăng gấp đôi lực lượng ứng phó với đám cháy xuất phát từ một trận sét đánh. Nhiều người trong số họ là chuyên gia về cháy rừng, giống như 19 lính cứu hỏa trên.

     Nhóm người lính cứu hỏa này được gọi là Hotshot, chuyên xử lý những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất của quốc gia. Mỹ có 110 nhóm Hotshot như thế, mỗi nhóm chỉ có 20 người và được huấn luyện đặc biệt.

     Họ đã chiến đấu với nhiều đám cháy trong những tuần gần đây ở New Mexico và Prescott trước khi đến Yarnell, thâm nhập vào vùng rừng núi đầy khói hồi cuối tuần rồi với ba lô, cưa và các thiết bị hạng nặng khác để loại bỏ các nhánh cây và bụi rậm, trong lúc đợt nắng nóng bao phủ khắp miền tây nam đã đẩy nhiệt độ lên gần mức kỷ lục.

     Thống đốc bang Arizona Jan Brewer gọi ngày hôm ấy là “ngày đen tối nhất mà tôi có thể nhớ”, và ra lệnh treo cờ rủ để tưởng niệm những người anh hùng. Bà Brewer cho hay đám cháy “bùng phát từ một cơn bão lửa”, bao trùm cả nhóm lính cứu hỏa.

     Ngọn lửa đã lan ra hơn 33 km vuông, phá hủy 50 ngôi nhà. Hơn 200 ngôi nhà khác trong thị trấn và 700 người bị đe dọa.

     Ủy viên hội đồng thành phố Prescott, Len Scamardo, cho hay gió đổi hướng và giật 80 km/h, khiến các lính cứu hỏa bị mắc kẹt vào khoảng 15h ngày 30/6. Chỉ trong vài giờ sau đó, giặc lửa đã lan rộng ra trên một diện tích gấp 10 lần lúc trước.

     Trong bước đường cùng, những người lính cứu hỏa đã làm theo những gì họ được đào tạo: họ bung những tấm chắn lửa, nằm úp mặt xuống đất và phủ nó lên người. Tấm chắn này có khả năng chịu nhiệt và lượng không khí bên trong nó đủ để họ thở được vài phút. Tuy nhiên, thiết bị bảo vệ cuối cùng đã không thể cứu được họ.

     Keo giữ các lớp vỏ của tấm chắn với nhau sẽ bị rời ra khi mức nhiệt tăng lên 500 độ F (khoảng 260 độ C), cao hơn 300 độ F so mức nhiệt có thể khiến một người tử vong ngay lập tức.

     Trưởng đội cứu hỏa Prescott, ông Dan Fraijo, kể rằng ông đã lo sợ tình huống xấu nhất xảy ra khi nhận được cuộc gọi cấp báo chiều hôm đó. “Khi họ báo cáo về việc tung các lá chắn lửa, có một nỗi lo sợ tự nhiên ập đến. Mở lá chắn ra cũng là hành động tuyệt vọng cuối cùng để họ tự cứu lấy bản thân”.

     Sự hy sinh của 19 lính cứu hỏa thuộc nhóm Hotshots là mất mát về lực lượng chữa cháy lớn nhất của Mỹ trong 80 năm qua trong một vụ cháy rừng. Duy nhất một thành viên trong nhóm 20 người này còn sống sót, đó là nhờ anh đang di chuyển xe tải của đơn vị vào thời điểm sống còn đó.

     Giới chức không cung cấp chi tiết về các tấm chắn lửa. 19 thi thể đã được chuyển đến Phoenix, thủ phủ của bang, để tiến hành khám nghiệm tử thi và làm rõ cái chết của họ.

                    

                    1c96cae916ec6116360f6a7067005a68-1372737
                    Hàng trăm người lặng đi trong lễ tưởng niệm 19 lính cứu hỏa tại một phòng tập thể thao ở thành phố Prescott. Ảnh: AP

     Hàng trăm người đã được sơ tán khỏi Yarnell. Bên cạnh hỏa hoạn, việc các đường dây điện bị sập và các thùng chứa khí propane phát nổ tiếp tục đe dọa những gì còn sót lại của thị trấn này. Một cơn mưa nhỏ xuất hiện nhưng hầu như không có tác dụng gì với đám cháy.

     Hiệp hội chống Hỏa hoạn Quốc gia Mỹ thống kê rằng, vụ cháy gần nhất cướp đi nhiều sinh mạng của lính cứu hỏa hơn là ở công viên Griffith, Los Angeles, năm 1933. Khi đó, 29 người đã thiệt mạng. Mất mát lớn nhất về lính cứu hỏa trong lịch sử Mỹ là 343 người trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở New York.

     Một đài tưởng niệm nhỏ với hoa và những lá cờ Mỹ đã được lập ra tại trạm cứu hỏa Prescott, nơi nhóm Hotshot đóng quân.

     Hơn 1.000 người hôm qua cũng có mặt một phòng tập thể thao ở đại học Embry-Riddle của thành phố để tưởng niệm những người thiệt mạng. Cuối buổi lễ, hàng chục lính cứu hỏa mặc đồng phục của Hotshot và các tổ chức khác đã diễu hành từ khán đài xuống phía trước của hội trường. Họ cúi đầu mặc niệm những đồng nghiệp đã ngã xuống khi tên tuổi của từng người anh hùng hiện lên trên màn hình phía sau.