Chung tay tiếp sức thí sinh dự kỳ thi đại học, cao đẳng
Ngày 4-7, thí sinh dự thi đại học năm 2013 khối A, A1 và khối V bước vào ngày thi đầu. Tuy nhiên, từ ngày 1-7 và các ngày trước đó, thí sinh ở các địa phương trên cả nước đã tập trung về các thành phố lớn, những khu vực có địa điểm thi, chuẩn bị bước vào kỳ thi. Trên hành trình “lên kinh ứng thí”, các thí sinh đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân.
Chúng tôi có mặt ở Bến xe Mỹ Ðình (Hà Nội) chiều 1-7, cảm nhận đầu tiên tuy số lượng hành khách rất đông, xe cộ vào ra tấp nập, nhưng vẫn trật tự, không ùn tắc, lộn xộn. Nói về công tác phục vụ hành khách trong dịp tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ), Phó Giám đốc Ban quản lý Bến xe Mỹ Ðình Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: Ban quản lý đã lên kế hoạch bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất và huy động toàn bộ cán bộ, công nhân viên tham gia phục vụ, trực 24/24 giờ. Bên cạnh đó, bến xe phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan bảo đảm an toàn giao thông, tuần tra, kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực. Ban quản lý bến xe cũng phối hợp các đơn vị triển khai phương án xe tăng cường trên bến; tổ chức cho các đơn vị vận tải cam kết bán vé theo đúng quy định, không chở quá số ghế xe đăng ký… Theo ước tính, thời điểm cao nhất trong kỳ thi này sẽ phục vụ khoảng 40 nghìn lượt hành khách cho nên đơn vị đã chuẩn bị từ 150 đến 200 lượt phương tiện để thí sinh và người nhà thí sinh (TS và NNTS) về các địa phương khi có nhu cầu.
Không chỉ ban quản lý bến xe, ở các khu ký túc xá sinh viên của các trường ÐH, CÐ cũng lập kế hoạch giúp đỡ thí sinh đi thi. Theo Phó trưởng ban quản lý Ký túc xá Mễ Trì (ÐH Quốc gia Hà Nội) Phạm Ðình Việt: Qua kinh nghiệm những năm trước, năm nay, ban quản lý ký túc xá bố trí mỗi phòng từ bốn đến tám TS và NNTS ở chung. Phòng có đầy đủ giường, chiếu, màn và các tiện nghi sinh hoạt cần thiết khác, với giá 100 nghìn đồng/một đợt thi cho TS và NNTS. Bên cạnh đó, căng-tin của ký túc xá cùng một lúc có thể phục vụ khoảng hơn hai nghìn suất ăn. Ngoài ra, ký túc xá còn có thư viện phục vụ các thí sinh dành thời gian ôn tập… Cũng giống như ký túc xá Mễ Trì ở Hà Nội, ký túc xá ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch chu đáo đón thí sinh. Giám đốc Ký túc xá ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh Trần Thanh An cho biết: Sẽ dành bốn nghìn chỗ ở cho TS và NNTS bảo đảm chu đáo cơ sở vật chất, các dịch vụ y tế, ăn uống phục vụ thí sinh. Với mức giá hỗ trợ 10 nghìn đồng/ ngày đối TS và 30 nghìn đồng/ ngày đối với NNTS.
Ðáng chú ý, cứ mỗi kỳ thi, ở bất kỳ bến xe, ngã tư, trước điểm thi… lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện cả nước đều tích cực giúp đỡ, hỗ trợ TS và NNTS nhiệt tình, chu đáo. Anh Hoàng Văn Hùng, cán bộ phụ trách khu vực bến xe Giáp Bát và bến xe Nước Ngầm (Thành đoàn Hà Nội) cho biết: Thành đoàn – Hội sinh viên thành phố triển khai hơn 100 đội sinh viên tình nguyện, với gần 1.500 tình nguyện viên hoạt động tại các bến xe, nhà ga, các điểm trung chuyển xe buýt trên địa bàn thành phố và khoảng 10 nghìn tình nguyện viên hoạt động ở tất cả các điểm thi của các trường ÐH, CÐ. Ngoài ra, Thành đoàn Hà Nội còn tổ chức các đội xe ôm đưa, đón TS và NNTS miễn phí từ bến xe, bến tàu về địa điểm thuê trọ, đến các địa điểm thi; đội tìm kiếm nhà trọ miễn phí và giá rẻ…
Tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm khu vực phía nam, nơi tập trung nhiều trường ÐH, CÐ cũng sôi động không kém TP Hà Nội. Tại Ga Sài Gòn, hơn hai giờ sáng 1-7, 30 sinh viên tình nguyện Ðội Tiếp sức mùa thi (TSMT) ga Sài Gòn đã sẵn sàng đón, hỗ trợ TS. Ba giờ sáng, chuyến tàu đầu tiên trong ngày chở nhiều thí sinh về ga đã được sinh viên tình nguyện phát bản đồ, cẩm nang, giới thiệu nhà trọ miễn phí, giá rẻ. Ngô Minh Ba, sinh viên năm thứ tư, Trường ÐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh vui vẻ nói: “Em tham gia TSMT tại ga Sài Gòn đã được hơn một tháng. Những ngày cao điểm phải trực đêm cho nên chỉ ngủ được vài tiếng. Trực đêm vất vả nhưng trong đội ai cũng háo hức tham gia”. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa, khi những chiếc xe khách vừa cập bến, các sinh viên tình nguyện Ðội TSMT Bến xe Miền Ðông nhanh nhẹn ra đón thí sinh. Những ngày cao điểm này, trung bình mỗi ngày đội TSMT Bến xe Miền Ðông hỗ trợ khoảng bốn nghìn lượt thí sinh. Theo Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên TP Hồ Chí Minh, để hỗ trợ các thí sinh, trung tâm đã huy động hơn 40 nghìn chỗ trọ (trong đó có hơn chín nghìn chỗ trọ miễn phí); 60 nghìn vé xe buýt; 230 nghìn bản đồ các loại xe buýt; 200 nghìn cẩm nang… Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh Dương Trọng Phúc cho biết: “Ðã có khoảng 75 nghìn lượt thí sinh và phụ huynh được tư vấn. Trung tâm đã giới thiệu được 19 nghìn chỗ trọ miễn phí và giá rẻ, gần 70 nghìn tờ bản đồ, 21 nghìn vé xe buýt miễn phí cho thí sinh”.
Cùng với những hoạt động hỗ trợ TS được triển khai từ những năm trước, kỳ thi năm nay, nhiều đơn vị trong cả nước đã có các hình thức mới trong chương trình hỗ trợ TS. Trong đó, tại Thừa Thiên – Huế, lực lượng sinh viên tình nguyện thuộc Ðại học Huế còn nhận giúp đỡ 1-2 thí sinh về ở nhà mình và cùng đồng hành với thí sinh đó đến hết ngày thi theo chương trình homestay. Ban tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi” tại Ðại học Huế đã tổ chức nhiều đội tình nguyện tại các nhà ga, bến xe, cổng các trường ÐH, CÐ; tổ chức điểm “Tiếp sức mùa thi trực tuyến”… sẵn sàng đón 20 nghìn thí sinh và người nhà về TP Huế tham dự kỳ thi. Tỉnh đoàn Thái Nguyên đã phối hợp tỉnh đoàn năm tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn tổ chức Chương trình “Ðưa em tôi đi thi” để đưa đón, sắp xếp chỗ ở, hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khi thi xong, bố trí xe đưa các em về quê nhà. Thành Ðoàn Ðà Nẵng cùng ÐH Ðà Nẵng đã vận động được ba nghìn suất cơm miễn phí 1.600 chỗ ở miễn phí và 3.500 chỗ ở giá rẻ từ tám đến 15 nghìn đồng/người trong ký túc xá dành cho các TS tham dự kỳ thi ÐH, CÐ. Trong khi đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long, Ðoàn thanh niên Trường ÐH Cần Thơ đã chuẩn bị 45 nghìn cẩm nang tư vấn phục vụ cho thí sinh; tổ chức 20 điểm với hơn một nghìn đoàn viên tham gia tư vấn, hỗ trợ thí sinh và phụ huynh và một đội tư vấn lưu động sẵn sàng đến nơi hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh khi có yêu cầu. Tại Hải Phòng 32 đội Sinh viên tình nguyện đã tổ chức đón, tư vấn thí sinh tại các bến xe, nhà ga, địa điểm thi; 35 đội thực hiện hướng dẫn giao thông, phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an toàn cho các thí sinh… Trường đại học Y Thái Bình đã liên hệ được hơn 200 phòng trọ miễn phí trên địa bàn TP Thái Bình và trưng dụng hơn hai nghìn phòng trọ giá rẻ cho thí sinh tại ký túc xá sinh viên.
Tại Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Thường trực Hội liên hiệp Thanh niên tỉnh Lại Thị Thanh Thủy cho biết: Các tình nguyện viên được biên chế thành 14 đội công tác, trong đó có một đội xe tình nguyện gồm 30 phương tiện sẵn sàng trợ giúp các thí sinh cùng người thân đưa thí sinh đi thi. Ðáng chú ý, Trường ÐH Quảng Nam dành khoảng một nghìn chỗ ở tại khu ký túc xá cho TS dự thi (với giá chỉ 10 nghìn đồng/ngày đêm) nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho TS và người nhà. Trong kỳ thi này, ông Võ Văn Tuấn, chủ quán An Sơn (46 Tôn Ðức Thắng, TP Tam Kỳ) sẽ dành sáu phòng, với khoảng 50 chỗ ở miễn phí cho TS (và người nhà) khi dự thi vào các trường đại học, cao đẳng tại TP Tam Kỳ. Ngoài ra, các TS đến ở trọ còn được tặng bữa ăn trưa miễn phí… Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn quyết định tăng thêm chuyến chạy tàu Sài Gòn – Phan Thiết và ngược lại giúp thí sinh tham dự kỳ thi thuận lợi.
Sự cộng đồng, chia sẻ, giúp đỡ thí sinh trong kỳ thi ÐH, CÐ còn được các giáo xứ, nhà chùa tăng cường các hoạt động hữu ích. Riêng chương trình TSMT của Ban hướng dẫn phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp báo Giác Ngộ thu hút 90 ngôi chùa tham gia với 7.500 chỗ ở và 150 nghìn suất cơm chay miễn phí cho thí sinh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên – Huế tiến hành ủng hộ 12 nghìn suất ăn cho hai đợt thi với giá trị ước tính hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, Giáo hội Phật giáo tỉnh còn tổ chức phát cơm trực tiếp tại các điểm thi. Bên cạnh đó, Siêu thị CoopMart tại TP Huế cũng tổ chức phát năm nghìn phiếu ăn được giảm 50% cho các thí sinh và người nhà trong hai đợt thi ÐH năm nay.
Tất cả các cá nhân, tổ chức đã giúp hàng chục nghìn TS và NNTS, trong đó có những người lần đầu về thành phố không khỏi băn khoăn, bỡ ngỡ, lo lắng khi đi thi. Tuy nhiên, những băn khoăn lo lắng đã vơi đi phần nào khi họ đặt chân đến các thành phố, nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của các lực lượng tình nguyện. Chúng tôi gặp bác Vũ Ðình Dương cùng con trai Vũ Quốc Ðạt, ở Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang tìm hiểu thông tin tại bàn tư vấn nhà trọ ở Bến xe Giáp Bát (TP Hà Nội). Bác cho biết, lần đầu đưa con đi thi lại không biết gì về Hà Nội cho nên bản thân và gia đình rất lo lắng chuyện đi lại, tìm đâu chỗ ăn chỗ ở cho hợp lý vừa bảo đảm an ninh lại hợp với “túi tiền”. Cả quãng đường từ Thanh Hóa ra Hà Nội, bác cứ thấp thỏm lo âu. Tuy nhiên, khi đến bến xe, bố con bác nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo của các sinh viên tình nguyện và tìm được nhà trọ gần địa điểm thi, với giá thuê phòng trọ 50 nghìn đồng/ngày đêm. “Không chỉ tôi bớt lo mà cháu cũng yên tâm đi thi. Dù sao bước đầu cũng đã gặp may mắn rồi” – bác Dương chia sẻ. Tại điểm thi Trường ÐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) TS Lê Minh Khải từ huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Là thí sinh của huyện đảo, lần đầu đi thi nên khá lo lắng. Tuy nhiên, khi đến điểm thi, được các anh chị thanh niên, sinh viên tình nguyện tận tình hướng dẫn đăng ký chỗ ở miễn phí tại trường cho nên em khá yên tâm bước vào kỳ thi.
Tuy nhiên, với lượng thí sinh đông đảo dồn về các địa điểm thi trong thời gian ngắn cho nên không phải nơi nào giá nhà trọ cũng “mềm” đối với TS, nhất là những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Qua khảo sát tại các điểm thi, bến tàu, bến xe, chúng tôi thấy nhiều tờ quảng cáo, tờ rơi đăng thông tin cho thuê phòng trọ thi đại học. Theo địa chỉ trên tờ rơi, chúng tôi đến gia đình chị H, ở số nhà 14 phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân (TP Hà Nội), với ngôi nhà sáu tầng, mỗi phòng khoảng gần 20 m2, công trình vệ sinh khép kín. Chị chủ nhà cho biết: Nếu TS và NNTS thuê một phòng như thế này, giá là 1,5 triệu đồng cho một đợt thi. Còn nếu ở ghép với gia đình TS khác được tính 150 nghìn đồng/người/ ngày đêm, tối đa mỗi phòng tám người. Trong khi đó, tại các hộ gia đình có nhà trọ cho sinh viên thuê, tận dụng thời gian sinh viên về quê nghỉ hè, nhiều gia đình đăng thông tin cho TS và NNTS thuê phòng trọ trong dịp này.
Với căn phòng cấp bốn, rộng từ 10 đến 12 m2, giá dao động từ 120 đến 150 nghìn đồng/ ngày đêm không ở ghép, còn ở ghép thì từ 80 nghìn đến 100 nghìn đồng/ngày đêm với mỗi gia đình TS. Mức giá này không phải TS, NNTS nào cũng đủ tiền để thuê, chưa kể phải lo tiền ăn, đi lại trong thời gian thi.
Có thể nói, mỗi kỳ thi, tuyển sinh ÐH, CÐ đều mang đến những khó khăn, trăn trở, lo lắng không chỉ đối với TS, các phụ huynh, ngành giáo dục và đào tạo mà cả chính quyền các địa phương. Việc “lên kinh ứng thí” của các thí sinh không phải ai cũng “xuôi chèo mát mái”. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, đoàn thể và cá nhân, nhiều TS, NNTS đã giảm bớt khó khăn, vất vả trong việc đi lại, tìm chỗ ăn, chỗ ở. Ðiều đó, giúp TS có tâm lý tốt nhất bước vào kỳ thi ÐH, CÐ năm 2013.
* Ðể đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh và phụ huynh tăng cao trên tuyến đường sắt Sài Gòn – Phan Thiết trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2013, ngoài đôi tàu SPT1, SPT2 chạy hằng ngày, Công ty vận tải hành khách đường sắt (VTHKÐS) Sài Gòn quyết định tăng thêm chuyến chạy tàu Sài Gòn – Phan Thiết và ngược lại.
Theo đó, đôi tàu mang ký hiệu SPT3, SPT4 sẽ được tăng cường trong hai ngày 1 và 2-7. Tại TP Hồ Chí Minh, tàu SPT4 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 8 giờ, đến Phan Thiết lúc 11 giờ 37 phút. Chiều ngược lại, tàu SPT3 xuất phát tại ga Phan Thiết lúc 13 giờ 55 phút, đến ga Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) lúc 18 giờ 5 phút cùng ngày.
Bên cạnh đó, trong dịp hè 2013, Công ty VTHKÐS Sài Gòn lập thêm đôi tàu SPT3, SPT4 từ ngày 8 đến 31-7. Tàu SPT3 xuất phát từ ga Phan Thiết lúc 6 giờ 10 phút, đến ga Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh) 10 giờ 55 phút. Tại TP Hồ Chí Minh, tàu SPT4 khởi hành lúc 17 giờ 30 phút, đến Phan Thiết lúc 21 giờ 28 phút. Việc tăng chuyến chạy tàu thời gian này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh dự thi đại học đợt 2 năm 2013.
* Tổng công ty Ðiện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, để bảo đảm cung ứng điện an toàn, liên tục cho các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 diễn ra tại Hà Nội, EVN HANOI không cắt điện cao, trung, hạ thế toàn TP Hà Nội trong thời gian chuẩn bị thi và thi tuyển sinh; tạo phương thức thích hợp cấp điện ổn định cho các địa điểm in sao đề thi, chấm thi, phúc khảo; tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các đường dây, trạm biến áp nếu còn, không đạt yêu cầu vận hành cần sửa chữa, khắc phục ngay hoặc có biện pháp dự phòng.
EVN HANOI yêu cầu các Công ty Ðiện lực quận, huyện tiến hành kiểm tra đường dây, trạm biến áp cấp điện cho các địa điểm thi, lập biên bản phân rõ trách nhiệm và phạm vi quản lý lưới điện tại các điểm cần bảo đảm điện phục vụ thi; phương án cấp điện yêu cầu phải có hai nguồn lưới hoặc có phương án dự phòng bằng máy phát điện khi sự cố, lập lịch trực trong các ngày thi và có phiếu thao tác chuyển nguồn; chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư, thiết bị, phương tiện để khẩn trương xử lý sự cố hoặc chuyển đổi phương thức dự phòng nhanh chóng cấp điện lại cho các địa điểm thi khi xảy ra sự cố.
* Thành đoàn Ðà Nẵng cho biết, đến thời điểm này, Thành đoàn phối hợp Trường đại học (ÐH) Ðà Nẵng đã vận động được 3.000 suất cơm miễn phí dành cho các thí sinh tham dự kỳ thi ÐH đợt một sắp tới. Các suất ăn sẽ được chuyển đến các điểm tiếp sức vào giờ trưa và chiều hằng ngày. 1.600 chỗ ở miễn phí và 3.500 chỗ ở giá rẻ, từ tám đến 15 nghìn đồng/người trong ký túc xá phục vụ thí sinh. Ngoài ra, tại năm điểm: bến xe, nhà ga, Trường ÐH Bách khoa, ÐH Sư phạm, ÐH Kinh tế đều đặt các thùng trà đá phục vụ miễn phí cho thí sinh và người nhà từ nay đến ngày 10-7.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.