Bóng dáng Trung Quốc tại thượng đỉnh Trump – Kim
Dù không góp mặt trong hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim hôm 12/6 tại Singapore, hình bóng Trung Quốc được cho là vẫn hiện hữu ở cuộc gặp này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi dạo tại khách sạn ở Singapore sau cuộc gặp thượng đỉnh. Ảnh: Reuters.
Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khép lại hội nghị thượng đỉnh lịch sử bằng một thỏa thuận mà các nhà quan sát cho rằng “chỉ mang ý nghĩa biểu tượng”, vai trò của Trung Quốc lại tiếp tục được củng cố, giới phân tích nhận định. Tuy nhiên, vẫn còn đó những mối lo mà Bắc Kinh không thể phớt lờ.
Hưởng lợi
Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, Trump cho biết ông sẽ gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thông báo về các phiên thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên trên đường về Mỹ, theo South China Morning Post.
“Trung Quốc là đất nước tuyệt vời và lãnh đạo của họ là bạn với tôi. Tôi tin ông ấy sẽ vui vì chúng ta đã đạt được tiến bộ. Tôi đã nghe từ ông ấy. Tôi sẽ sớm gọi cho ông ấy, có thể trước lúc hạ cánh”, Tổng thống Mỹ nói.
Dù không chính thức tham gia vào hội nghị, ảnh hưởng từ Trung Quốc lên Triều Tiên vẫn có thể được cảm nhận từ cuộc họp, chuyên gia đánh giá. Ngoài ra, “tính biểu tượng” trong thỏa thuận giữa lãnh đạo Mỹ – Triều càng làm nổi bật vai trò của Bắc Kinh.
“Nó cho thấy bất đồng giữa Washington và Bình Nhưỡng vẫn rất lớn và không thể được giải quyết chỉ qua một hội nghị thượng đỉnh”, Cheng Xiaohe, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc, nhận xét. “Không có sự ủng hộ từ Trung Quốc, việc thúc đẩy tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa thực sự khó với Washington và Bình Nhưỡng. Trung Quốc, cùng một số nước khác ở khu vực như Nhật hay Nga, có thể đóng vai trò nào đó trong những nỗ lực kế tiếp”.
Theo giới phân tích, những bước phát triển trong các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề Triều Tiên có thể đúng như những gì Bắc Kinh kỳ vọng với việc hai bên cam kết ủng hộ một giải pháp hòa bình cho thế đối đầu vốn đã kéo dài 7 thập kỷ qua, đồng thời xuống thang căng thẳng hạt nhân.
“Trung Quốc không mất gì”, Deng Yuwen, nhà phân tích chính trị ở Bắc Kinh, cho hay. “Trung Quốc cũng hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và nếu không có một kế hoạch rõ ràng hay bất kỳ biện pháp cụ thể nào để giải giáp vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên, Washington sẽ cần Bắc Kinh nếu họ muốn gây thêm áp lực lên Bình Nhưỡng”.
Mặt khác, tại hội nghị, Trump còn bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ đóng một phần quan trọng giúp Triều Tiên phát triển kinh tế, điều mà lãnh đạo Kim Jong-un đang mong muốn.
Ở buổi họp báo, Trump tuyên bố ngừng tập trận với Hàn Quốc vì cho rằng chúng “tốn kém” và “mang tính khiêu khích”.
Nhiều nhà phân tích nhận định ngoài Triều Tiên, Trung Quốc sẽ là bên vui mừng không kém với thông tin trên bởi Bắc Kinh lâu nay vẫn mong chờ một tình thế “đóng băng đổi đóng băng”, ở đó Mỹ và Hàn Quốc sẽ ngừng tập trận quân sự, đổi lại Triều Tiên hoãn thử vũ khí hạt nhân.
Chuyên gia đánh giá quyết định ngừng tập trận chung với Hàn Quốc của Trump là một bước nhượng bộ lớn trước Triều Tiên, trong khi Kim Jong-un lại không có bất kỳ cam kết vững chắc nào về quá trình phi hạt nhân hóa mà chỉ tái khẳng định những thông điệp mơ hồ từng được đưa ra trong tuyên bố chung với Hàn Quốc hồi cuối tháng 4.
“Tôi luôn phản đối việc ‘đóng băng đổi đóng băng’ bởi nó đặt ngang bằng các cuộc tập trận Mỹ – Hàn (ổn định, hợp pháp) với những vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên (gây bất ổn, phi pháp)”, Abraham M. Denmark, giám đốc Chương trình châu Á tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson, viết trên Twitter.
“Giờ đây, Trump lại chỉ trích các cuộc tập trận này là khiêu khích và từ bỏ chúng… không vì gì cả ư?”, ông đặt câu hỏi.
Theo Chung In-moon, cố vấn đặc biệt về đối ngoại và an ninh quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, vai trò của Bắc Kinh đối với tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên “sẽ ngày càng lớn hơn trong tương lai”.
“Đến nay, vấn đề Triều Tiên hầu như đang phát triển theo hướng mà Trung Quốc mong muốn và sau cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim ở Singapore, vai trò của Bắc Kinh chắc chắn ngày càng tăng lên”, ông nhấn mạnh.
Mối lo
Kim Jong-un (trái) trò chuyện cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Liên, Trung Quốc, hồi tháng trước. Ảnh:AFP.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo vẫn còn không ít thách thức ở phía trước khi mà lãnh đạo Mỹ – Triều chưa thể đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào về việc giải giáp vũ khí hạt nhân Triều Tiên – mối đe dọa nơi cửa ngõ của Trung Quốc.
“Đây là cơ hội tốt để tạo bước đột phá nhưng nếu bỏ lỡ nó, làm sao chúng ta có thể dám chắc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không trở lại?”, Zhu Feng, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, hoài nghi. Một bán đảo Triều Tiên căng thẳng chắc chắn không phải điều Bắc Kinh muốn.
Trong khi đó, chưa có dấu hiệu nào cho thấy mối liên minh giữa Washington với Seoul và Tokyo đang suy yếu, dù Tổng thống Trump từng nói ông muốn rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh dường như đang phải sốt ruột chờ đợi xem liệu Bình Nhưỡng có muốn xích lại gần hơn với Washington sau hội nghị thượng đỉnh hay không.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang rất lo lắng về việc đánh mất đòn bẩy lợi thế trước Triều Tiên và sợ rằng Triều Triều Tiên sẽ nghiêng về Mỹ và quay lại chống Trung Quốc”, Charles Armstrong, nhà sử học nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ, nhận xét.
Nguồn bizlive.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.