Ai Cập: bạo lực bùng phát tại nhiều địa phương

 Bạo lực đã bùng phát trở lại tại nhiều địa phương của Ai Cập, khiến ít nhất 16 người chết và hơn 300 người bị thương.

Sau một ngày khá yên tĩnh, hôm 5/7, bạo lực nghiêm trọng đã bùng phát trở lại tại nhiều địa phương của Ai Cập, khiến ít nhất 16 người chết và hơn 300 người khác bị thương.

Đáng chú ý nhất trong số này là cuộc đụng độ đẫm máu kéo dài hơn 1 giờ hồi đêm qua (tức sáng sớm nay giờ Hà Nội), giữa những người ủng hộ và phản đối Chính quyền mới tại khu vực cầu “Mùng 6 tháng 10”, sát quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo. Những người ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo của Tổng thống vừa bị truất quyền Mohamed Morsi và những người tham gia cuộc biểu tình “bảo vệ thành quả cách mạng” ở quảng trường Tahrir, đã dùng gạch đá, bom xăng và pháo hoa tấn công nhau dữ dội, trước khi bị giải tán bởi lực lượng quân đội. Theo các nguồn tin, ít nhất 3 người thiệt mạng và khoảng 50 người khác bị thương trong cuộc đụng độ này. Hiện tại, hàng chục xe bọc thép của quân đội Ai Cập đang được triển khai tại khu vực phía trước đài phát thanh – truyền hình quốc gia, sát khu vực vừa xảy ra đụng độ, để duy trì trật tự.

Biểu tình bùng phát thành bạo loạn tại Alexandria. (Nguồn: AFP)

Còn tại Alexandria, thành phố cảng lớn nhất ở phía bắc Ai Cập, đụng độ nghiêm trọng giữa những người ủng hộ ông Mursi và những người thuộc phe phản đối Tổ chức Anh em Hồi giáo, cũng đã xảy ra khiến 2 người chết và hơn 100 người thuộc cả hai phía bị thương. Quân đội Ai Cập đã phải huy động nhiều xe bọc thép để can thiệp và giải tán các đám đông quá khích.

Tại bán đảo Sinai, phần lãnh thổ thuộc châu Á của Ai Cập, các tay súng chưa rõ danh tính đã nổ súng tấn công 8 điểm kiểm tra an ninh hỗn hợp của quân đội và cảnh sát, khiến 3 nhân viên an ninh thiệt mạng và một số khác bị thương. Tình trạng báo động an ninh cao đã được ban bố tại thành phố uez và thành phố Arish, phía bắc Sinai. Tuy nhiên, nguồn tin chính thức của quân đội Ai Cập khẳng định, tình hình chưa nghiêm trọng đến mức phải ban bố “tình trạng khẩn cấp” tại Sinai như thông tin đã được một số nguồn tin báo chí công bố.

Bạo lực cũng được ghi nhận xảy ra tại nhiều địa phương khác của Ai Cập trong ngày hôm qua, nhưng với quy mô nhỏ và không kéo dài. Cho đến đêm qua, tất cả các điểm nóng về an ninh trên toàn lãnh thổ Ai Cập vẫn nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các lực lượng cảnh sát và quân đội.

Trên bình diện chính trị, Tổng thống lâm thời Ai Cập Adli Mansour ngày hôm qua đã ra quyết định giải tán Hội đồng Tư vấn quốc gia (tức Thượng viện), ra sắc lệnh bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia và hai cố vấn cao cấp của Tổng thống về Hiến pháp và Chính trị. Các động thái này đã nhận được những phản ứng tích cực của báo giới, nhiều phe phái chính trị và đông đảo người dân Ai Cập.

Liên quan đến các động thái của Tổ chức Anh em Hồi giáo, chiều qua, người đứng đầu Tổ chức Anh em hồi giáo Mohamed Badiya đã bất ngờ xuất hiện trước đám đông người biểu tình ủng hộ ông Morsi ở quảng trường Rabaa Aldawiya. Tại đây, ông Badiya một lần nữa đưa ra yêu cầu khôi phục chức vụ cho ông Morsi cùng lời khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các chiến dịch biểu tình phản đối hành động “bảo chính quân sự” lật đổ ông Morsi. Ông Badiya là một trong các nhân vật đang nằm trong danh sách bị điều tra về cáo buộc “kích động bạo lực” nhằm vào người biểu tình, cũng như danh sách cấm di chuyển của giới chức Ai Cập.

Đến thời điểm này, các cuộc tranh cãi nảy lửa về tính hợp pháp và sự chính thống của Chính quyền mới tại Ai Cập vẫn diễn ra không ngừng giữa các phe phái tại Ai Cập cũng như khu vực. Tuy nhiên, xu thế áp đảo vẫn là sự thừa nhận Chính quyền mới của Ai Cập, bộ máy cầm quyền được hình thành sau chiến dịch biểu tình quần chúng lịch sử với hàng triệu người tham gia./.