Sen trong đời sống văn hóa dân gian miền Tây Nam bộ
Sen là loại cây phân bố rất nhiều ở vùng nhiệt đới, rất quen thuộc với người dân Việt Nam.
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.
Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Sen mọc dưới nước, thân rễ hình trụ mọc ở trong bùn thường gọi là ngó sen hay ngẫu tiết, lá còn gọi là liên diệp mọc lên khỏi mặt nước, cuống lá dài, có gai nhỏ, phiến lá hình khiên, to, đường kính cỡ vòng tay người lớn có gân tỏa tròn. Bông sen to màu trắng hay đỏ hồng, nhụy vàng, bao phấn với hai ô, nứt theo một kẽ dọc, nhiều lá noãn rời nhau đựng trong một đế bông loe ra thành hình nón ngược gọi là gương sen hay liên phòng. Quả chứa hột gọi là liên nhục. Lúc non, quả sen màu xanh ngã sang sậm dần khi già. Hột sen cũng vậy, nhưng khi già khô có màu đen nhánh. Bên trong có chồi mầm còn gọi là liên tâm gồm 4 lá non gập vào phía trong.
Ở miền Bắc, sen chỉ ra hoa, quả vào mùa hè, thu. Còn ở Tây Nam bộ sen ra hoa, quả quanh năm. Sen mọc khắp các đồng hoàng vùng tứ giác Long Xuyên – Tháp Mười, đến nỗi người bình dân xem sen như là đặc trưng nơi này:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre,
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.
Ở miền Tây Nam bộ, nhiều nơi sen mọc nhiều và dân gian dùng sen làm tên gọi địa danh.
Rọc Sen là một nhánh sông nhỏ nơi có nhiều sen mọc ở vùng giáp giới của Sóc Trăng và Hồng Dân thuộc tỉnh Bạc Liêu. Lung Sen một một vùng đất thuộc Mỹ Quới (Sóc Trăng); Ngoài Bàu Sen – một thắng cảnh ở Phan Thiết, địa danh này cũng có mặt ở Hậu Giang nhưng quy mô và danh tiếng không bằng, ….
Lớn nhất có lẽ là Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, với tổng diện tích hơn năm ngàn hecta nằm ở Long An. Láng Sen là vùng sinh thái tiêu biểu cho kiểu đầm lầy ngập nước với nhiều quần thể động thực vật phong phú mang tính đặc trưng. Láng Sen từng được chọn làm một trong hai điểm trình diễn sử dụng khôn ngoan và bảo tồn đa dạng sinh học đất ngập nước lưu vực sông MeKong do IUCN, GEF, UNDP tài trợ MWBP.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen
Và cũng không có gì lạ khi sen đã đi vào đời sống văn hóa của người dân miệt vườn một cách tự nhiên như vậy.
Bông sen trở thành biểu tượng của sự tinh khiết, cao quý.
Bông sen nở, bông sen nổi, gốc sen chìm,
Bao nhiêu quý vật đều tìm quý nhơn.
Hình tượng liên đài là nơi Phật Tổ, Phật Bà Quan Âm ngự. Ở chùa, dù theo phái Đại thừa hay Tiểu thừa, bông sen luôn có mặt nơi chánh điện. Theo đó là giai thoại về chuyện ngài Ma Ha Ca Diếp nhìn sen mà bừng nở tâm hoa, mỉm cười ngộ đạo trong câu chuyện Niêm hoa vi tiếu. Bông sen tươi trưng trong lục bình để thờ, cúng. Họa tiết bông sen có mặt trong hội họa, điêu khắc,…
Dân miền Tây ít người không biết ca vọng cổ. Và cũng vì thế, rất nhiều người thuộc lòng giọng ca của nữ nghệ sĩ Thanh Nga khi cô thể hiện bài ca Bông sen của cố soạn giả Trần Nam Dân để ngâm nga mỗi khi trà dư tửu hậu: Bông sen trắng nhụy vàng xa xa lấp lánh, lá xanh xanh như bàn tay chị tay em vươn lên nâng bỗng ánh sao… trời. Đẹp lắm sen ơi hương vị tuyệt vời …
Nhiều bộ phận của sen có mặt trong nghệ thuật ẩm thực dân gian vùng đất mới.
Củ sen hầm móng giò heo, sườn heo là món ăn vừa ngon miệng lại giúp cho phụ nữ sau sinh tăng cường sức khỏe, có nhiều sữa nuôi con nhỏ,…
Giò heo hầm củ sen
Củ sen bào vỏ, cắt miếng xéo dày non phân tay rồi ngâm vào nước muối loãng. Giò heo cạo sạch lông, trụng qua nước sôi, sau đó rửa sạch lại bằng nước lạnh, chặt miếng vừa ăn.
Bắc nước sôi, hầm giò, móng trước, vớt sạch bọt rồi cho củ sen vào. Nấu thêm cho đến khi củ sen mềm, nêm nếm vừa ăn là được.
Một món làm từ sen khác cũng rất được ưa chuộng ở đây là gỏi ngó sen. Thành phần chủ yếu của món ăn này đúng như tên gọi của nó là ngó sen. Ngoài ra, với món gỏi ngó sen, người ta có thể kết hợp với những nguyên liệu khác nhau để tạo thành món gỏi ngó sen tép bạc hay gỏi ngó sen lỗ tai heo.
Ngó sen chính là phần thân rễ của cây sen, được mọc từ bùn đất nên phần sơ chế cần được thực hiện tỉ mỉ để ngó sen được trắng và giòn. Sau đó, cắt ngó sen thành từng đoạn ngắn cỡ ngón tay, chẻ hai hoặc chẻ tư. Trộn vào ngó sen đã chẻ muỗng nhỏ muối, ít đường cát, nước cốt chanh, để cho thấm. Sau đó dùng tay vắt ráo nước.
Tép bạc luộc rồi lột vỏ trộn vào. Cầu kỳ hơn, người ta dùng lỗ tai heo làm sạch, bóp qua nước muối để khử mùi rồi luộc chín, xắt thành sợi nhỏ để trộn gỏi. Rắc thêm ít đậu phộng xay đâm bể, ngò gai, rau húng, quế, thêm vài lát ớt hiểm,…
Những búp sen xanh thường được dân quê hái về để chế biến nhiều món ăn chơi. Cứ để tự nhiên như vậy, dùng tay tách từng hột sen ra, gỡ bỏ vỏ xanh bên ngoài để ăn cơm vàng đục bên trong. Tận cùng lớp cơm này là lá mầm của sen, vị nhẫn đắng nhưng lại là liệu thuốc rất hữu hiệu giúp cho người mất ngủ. Vì thế, người sành ăn cứ để nguyên vậy mà thưởng thức. Trẻ con sợ đắng thì tách bỏ những lá mầm này.
Buổi chiều tà, người miền quê cũng hay dùng hột sen nấu chè. Bắc xong nước đường cho sôi, quậy thêm ít bột mì cho nước sền sệt rồi trút hột sen đã lặt, lựa sạch vào, … Chan thêm miếng nước cốt dừa thắng, chén chè sen vừa bùi vừa béo giúp cho người thưởng thức thêm sảng khoái.
Chè không chỉ ngon miệng mà theo kinh nghiệm dân gian thì hột sen còn có tác dụng chống lão hóa. Hơn thế, nhiều chị còn cho rằng chè hột sen tốt lắm cho chuyện “đêm khuya”:
Thương chồng nấu cháo le le,
Nấu canh thiên lý, nấu chè hột sen.
Ngoài ra, cá lóc nướng trui hay nồi mắm kho có được lá sen non cuốn tròn ăn kèm thì ngon phải biết.
Cá lóc nướng trui
Người ta chọn những con cá lóc trọng cỡ cườm tay (cá lớn quá khó chín, cá nhỏ quá không ngon) dùng cây đập đầu (có người dùng tay bẻ cổ) cho cá chết. Lấy nhánh tre, trúc tươi xỏ xiên từ miệng cá đến đuôi cá. Chọn bãi đất trống cắm ngược đầu cá xuống đất, chất rơm khô để đốt nướng. Người có kinh nghiệm chọn lượng rơm rất vừa để khi rơm cháy hết thì cá cũng vừa chín tới.
Bày cá ra miếng lá sen già, dùng rơm cạo vẩy khét bên ngoài. Phải làm nhanh và thật đều tay, không được giập, thì cá mới ngon. Nếu để cá nguội, vẩy khét sẽ mất độ giòn và dính chặt vào da cá, sẽ cạo không hết khét hoặc da cá bị trầy xước, khó coi. Sau đó, dùng tay mở bung lưng cá ra theo dọc chiều xương sống. Thịt cá trắng phau, da cá thơm ngào ngạt gói với những lá sen non có vị chan chắt, chấm nước mắm dầm me non cùng ít trái ớt hiểm thì người khó tính mấy cũng phải khen.
Ngày nay, nhiều gia đình đã tận dụng ao đìa quanh nhà hoặc những khúc sông rạch dưới bến để trồng sen.
Sáng sớm, người ta chống xuồng hái lá sen, búp sen, nhổ ngó sen đem ra chợ bán. Nền kinh tế gia đình có thêm thu nhập. Và cũng từ đây, sen không chỉ tồn tại trong môi trường hoang dại mà được người nông dân miền Tây trồng, chăm sóc. Sen không phụ công người, với những sản phẩm thu được từ sen, nền kinh tế gia đình có thêm thu nhập, ổn định thậm chí có gia đình đã làm giàu từ loại cây này. Hơn thế, bà con dùng lá sen thay thế cho bọc nylon để gói thực phẩm vừa đảm bảo an toàn vệ sinh vừa góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.
Xin mượn câu hát quê mộc mạc để kết thúc bài viết này:
Đi qua nghe tiếng em ca
Lá vàng xanh lại, sen tàn trổ bông
Nguồn nongthonviet
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.