Lấy phiếu tín nhiệm đại biểu HĐND: Sự đồng thuận của cử tri

       Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch.

Lần đầu tiên, Hội đồng nhân dân (HĐND) các địa phương trong cả nước tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Ở Đồng Tháp, công tác này đã được triển khai một cách thận trọng, nghiêm túc, đúng quy trình, thủ tục quy định. Toàn bộ quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Qua đó, đã tạo được sự nhất trí và đồng tình của cử tri.

Việc công khai kết quả tín nhiệm đối với 14 chức danh do HĐND tỉnh Đồng Tháp bầu đã được truyền hình và phát thanh trực tiếp để nhân dân và cử tri theo dõi.

Cử tri Nguyễn Minh Chánh ở Thành phố Cao Lãnh cho rằng, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đã phản ánh chân thực tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, các hoạt động tư pháp của tỉnh; phản ánh sự mong muốn, kỳ vọng của các đại biểu và cử tri về tinh thần trách nhiệm cao hơn, tích cực hơn ở các chức danh do HĐND bầu.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân bỏ phiếu tín nhiệm (Ảnh: dongthap.gov.vn)

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người đang giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu thấy được mức độ tín nhiệm của mình, hiểu thêm sự đánh giá của các đại biểu đối với mình.

Kết quả tín nhiệm chính là sự ghi nhận, động viên, khích lệ kịp thời đối với người có tín nhiệm cao; đồng thời là sự nhắc nhở, lưu ý đối với từng người có tín nhiệm chưa cao để điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chỉ đạo điều hành thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để rút kinh nghiệm, có phương hướng tiếp tục khắc phục những tồn tại.

Cử tri Phan Thị Thu Hương ở phường Hòa Thuận cho rằng: Người dân muốn đóng góp ý kiến cũng còn ngại, không thể lúc nào cũng nói trực tiếp. Có phiếu tín nhiệm thì sẽ bày tỏ suy nghĩ thông qua lá phiếu dễ hơn. Theo tôi, lấy phiếu tín nhiệm cũng là điều cần nên làm thường xuyên để qua đó bản thân đại biểu được bầu đúc kết kinh nghiệm để làm việc tốt hơn.

Trong thời gian qua, từ một tỉnh được xem là “khuất nẻo”, từ những chủ trương, chỉ đạo kịp thời mà Đồng Tháp giờ đây đã được biết đến nhiều hơn với việc đứng đầu cả nước trong thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, những lĩnh vực về du lịch, văn hóa cũng được sự quan tâm đầu tư đúng mức. Tất cả những việc làm “Vì một Đồng Tháp phát triển” đã được nhân dân và cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Điều này đã được thể hiện qua kết quả tín nhiệm cho thấy với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Vĩnh Tân và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Hoan, số phiếu tín nhiệm cao gần như ở mức tuyệt đối.

Ông Lê Hoàng Đức, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, qua công tác chuẩn bị và việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, có 3 kinh nghiệm rút ra. Đó là phải quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, quy trình của việc lấy phiếu đến tất cả các vị đại biểu HĐND thành phố và các chức danh được lấy phiếu; cung cấp đầy đủ thông tin tới các vị đại biểu HĐND thành phố. Bản thân mỗi đại biểu được lấy phiếu cũng cần phải báo cáo một cách đầy đủ, nghiêm túc, kết quả và những thiếu sót trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và các giải pháp khắc phục. Vấn đề mấu chốt là sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, thận trọng, công tâm, khách quan của các vị đại biểu HĐND.

Ông Lê Hoàng Đức cho biết thêm: Một số đại biểu được lấy phiếu tín nhiệm có mức độ tín nhiệm thấp thì có thể người đó xin từ chức. Nếu liên tục 2 năm người đó có số phiếu tín nhiệm thấp thì HĐND tỉnh sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là  một trong những biện pháp đánh giá chất lượng đại biểu HĐND. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân người được lấy phiếu mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của cả bộ máy lãnh đạo. Chính vì vậy, chất lượng, năng lực đội ngũ “công bộc” của nhân dân cũng như hiệu lực của bộ máy công quyền đang đứng trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; đồng thời với đó, vai trò giám sát của đại biểu dân cử các cấp ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước./.