Bộ Tài chính công khai Quỹ Bình ổn giá xăng
Theo đó, việc công bố Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) được Bộ Tài chính sẽ được công bố công khai vào tháng đầu quý trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính.
Thông qua việc công khai Quỹ BOG, sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ BOG xăng dầu cũng như giám sát việc điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường mà Chính phủ và các Bộ, ngành đang kiên trì thực hiện.
Trước đó, trong Chương trình – Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 23/6/2013, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khẳng định “Quỹ BOG được trích lập vào một khoản tiền cụ thể nằm trong giá cơ sở của giá xăng dầu, nghĩa là được hình thành từ tiền của người sử dụng xăng dầu. Cho nên đòi hỏi phải công khai, minh bạch Quỹ này là một nhu cầu rất chính đáng và Quỹ được hình thành như một van xả để đảm bảo bình ổn giá cả xăng dầu của chúng ta trên thị trường khi giá thế giới có biến động”.
Bộ trưởng cũng cho biết, xăng dầu là mặt hàng rất thiết yếu trong sản xuất và đời sống của nhân dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ liên tục cập nhật báo cáo tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu và sẽ công bố công khai vào tháng đầu quý, qua đó công khai, minh bạch Quỹ BOG.
Quỹ BOG không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 234/2009/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, Quỹ BOG được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở theo quy định tại khoản 9, Điều 3, Chương I Nghị định số 84/2009/NĐ-CP là 300 đồng/lít (kg) của lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá cơ sở của Thương nhân đầu mối. Trong trường hợp cần thiết Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh mức trích lập, thời điểm trích lập Quỹ BOG cho phù hợp với biến động của thị trường và có thông báo để các Thương nhân đầu mối thực hiện.
Việc trích lập Quỹ BOG đã được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ Tài chính – Công Thương (thông qua Tổ Giám sát Liên ngành về giá xăng dầu – nhiệm vụ của Tổ này được quy định tại Quyết định số 2832/QĐ-BTC ngày 23/11/2011 về việc thành lập Tổ giám sát Liên ngành về giá xăng dầu, Quyết định số 2833/QĐ-BTC ngày 23/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế làm việc của Tổ giám sát Liên ngành về giá xăng dầu).
Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được sử dụng Quỹ BOG, chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở tăng cao hơn giá bán hiện hành và Chính phủ thực hiện kiềm chế mức tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ có công văn chỉ đạo doanh nghiệp mới được sử dụng Quỹ BOG.
Mức sử dụng Quỹ BOG không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành (được tính toán công khai theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) và mục tiêu điều hành giá dựa trên tình hình kinh tế, xã hội trong nước…
Theo các quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC: các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính – Công Thương về việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG; doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ BOG.
Quỹ BOG được hạch toán vào tài khoản riêng và chỉ được sử dụng vào mục đích Bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác.
Định kỳ hàng Quý và theo yêu cầu quản lý đột xuất các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng Quỹ BOG đối với Bộ Tài chính.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG ở tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối và công khai kết quả kiểm tra trước công luận (cuối năm 2011 và giữa năm 2012).
Phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ BOG tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá cao về hiệu quả của Quỹ BOG.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có các đoàn kiểm tra, thanh tra về tình hình sản xuất kinh doanh xăng dầu tại một số doanh nghiệp trong đó có nội dung kiểm tra về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG để có tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư số 234/2009/TT-BTC.
Kết thúc các đợt thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về kinh doanh xăng dầu trong đó có nội dung về Quỹ BOG, Bộ Tài chính đã có Thông cáo báo chí, họp báo công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Trong quá trình điều hành giá xăng dầu, khi thay đổi mức trích, mức chi sử dụng Quỹ BOG, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí về để giúp dư luận hiểu rõ hơn về định hướng điều hành của Liên Bộ, góp phần đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu.
Bộ Tài chính khẳng định: Việc trích Quỹ BOG là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác.
Không thu vào Ngân sách Nhà nước
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 84/2009/NĐ-CP thì “Quỹ BOG được lập để tại doanh nghiệp được hạch toán riêng và chỉ sử dụng vào mục đích bình ổn giá”, Quỹ BOG không thu vào Ngân sách Nhà nước. Đây cũng là một trong những biện pháp tài chính mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để bình ổn giá.
Từ năm 2010 đến nay, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng giá cao hơn và tần suất tăng giá cũng nhiều lần hơn, ví dụ: nếu không sử dụng Quỹ BOG thì ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán năm 2011, năm 2012 và năm 2013 đã phải điều chỉnh giá xăng dầu và mức giá phải điều chỉnh cao hơn nhiều; mặt khác nếu không có Quỹ BOG trong một số thời điểm sẽ phải nhiều lần liên tiếp điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Ngay trong những tháng đầu năm 2013, nếu không có công cụ Quỹ BOG thì giá xăng dầu trong nước đã phải tăng ngay từ những ngày đầu năm, đặc biệt trước và sau Tết Nguyên đán đã phải tăng giá xăng dầu ở mức cao (có thể lên mức 2.000 đồng/lít xăng tại thời điểm ngày 26/2/2013…).
Thực tế đã chứng minh Quỹ BOG là công cụ hữu hiệu để thực hiện bình ổn giá trong điều kiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, cũng còn một số ý kiến khác nhau về Quỹ BOG, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP để xem xét sửa đổi, bổ sung phù hợp; trong đó có nội dung về Quỹ BOG./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.