ĐBSCL cần phát triển bền vững thương hiệu lúa và cá tra

      Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh ĐBSCL cần phát triển bền vững thương hiệu lúa và cá tra.

Chiều 11/7, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và 3 tỉnh có sản lượng lúa và cá tra lớn nhất khu vực ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Buổi làm việc tập trung thảo luận và thống nhất các giải pháp cả trước mắt, cơ bản và lâu dài, nhằm đảm bảo sản suất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hiệu quả và bền vững lúa gạo và cá tra, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các cơ quan và các tỉnh ĐBSCL phải phát triển bền vững thương hiệu lúa và cá tra

Các ý kiến tại buổi làm việc khẳng định, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến thu mua tạm trữ gạo, hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch hay chính sách liên kết “4 nhà”… đã và đang tạo bước tăng trưởng nhanh, nhất là nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm nông sản-thủy sản, đẩy mạnh cơ giới hóa canh tác và thu hoạch, nâng cao và đảm bảo ổn định thu nhập của người nông dân. Vấn đề nổi lên là hai năm gần đây giá xuất khẩu gạo giảm bình quân 10-15%; giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng lúa cũng đang chững lại; thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán đầu ra không tăng nhưng chi phí đầu vào như vật tư, phân bón lại tăng liên tục.

Đối với cá tra thì người nuôi và doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng nhằm giảm thiểu rủi ro, thậm chí, một số hộ thu hoạch xong không thả nuôi lại. Nguyên nhân là do khó khăn về thị trường tiêu thụ chính đang giảm, cộng thêm các rào cản thương mại ngày càng tăng từ các thị trường lớn. Ngoài ra còn có nguyên nhân do chính doanh nghiệp, người dân bơm nước vào sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cá tra xuất khẩu, rồi tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, tự triệt tiêu nhau trên thị trường và cuối cùng thì người nông dân gánh chịu hậu quả…

Trên cơ sở nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng cao không giảm với giá ổn định ở mức cao, nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm, không nhất thiết phải chạy theo số lượng mà cần tập trung nâng cao giá trị xuất khẩu gạo. Ngoài giống chất lượng cao thì phải gắn với sự chỉ đạo chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sản xuất của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn ở địa phương.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát phát biểu tại buổi làm việc

Cùng với tập trung rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cụ thể cơ cấu cây trồng, mùa vụ trên từng vùng đất, phù hợp với thị trường, thổ nhưỡng và khí hậu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: vấn đề mấu chốt là hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu gạo và cá tra, cũng như nhân rộng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, đây là giải pháp đột phá để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi ổn định trên 30%.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ quy định rõ kinh doanh gạo là phải có điều kiện gắn với vùng nguyên liệu, sớm bổ sung Nghị định 109/2010 về cơ chế ưu tiên các hợp đồng xuất khẩu, tập trung phân bổ cho các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, đầu tư mô hình cánh đồng mẫu lớn và tham gia vào chuỗi giá trị, đồng thời tăng cường kinh phí tập huấn, hướng dẫn sản xuất cho người nông dân.

Các ý kiến của doanh nghiệp và người dân trực tiếp nuôi cá tra kiến nghị với Chính phủ cần thống nhất chuỗi giá trị sản xuất lúa và cá tra; xử lý nghiêm các doanh nghiệp gian lận thương mại, cạnh tranh không bình đẳng; xem xét miễn thuế VAT đối với thức ăn chăn nuôi; cơ cấu lại vốn vay cho người dân và doanh nghiệp theo chu kỳ 8-12 tháng và áp dụng cho vay tín chấp, bảo đảm bằng đàn cá trong ao. Tổng cục Thủy sản đề nghị cho phép thí điểm xây dựng Quỹ phát triển và hỗ trợ rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ cá tra trên cơ sở thu phí từ xuất khẩu…

Trên cơ sở lắng nghe báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn sản xuất và kinh doanh lúa và cá tra của doanh nghiệp và người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm làm cơ sở để Chính phủ quyết định các giải pháp cả trước mắt, cơ bản và lâu dài, nhằm đảm bảo sản suất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hiệu quả và bền vững lúa gạo và cá tra, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thủ tướng nêu rõ: Lợi thế lớn nhất của ĐBSCL là sản xuất lúa và thủy sản, nhất là cá tra. Vấn đề nổi lên là sản xuất đang chững lại, thu nhập của người nông dân giảm sút. Nguyên nhân thì nhiều nhưng nguyên nhân chính là do kinh tế hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún, cắt khúc lại kéo dài nên không còn phù hợp với thực tiễn, phù hợp với thị trường phát triển như hiện nay. Cơ chế, thể chế, quản lý cũng vẫn theo kiểu cũ. Thủ tướng cho rằng, gốc của vấn đề là phải có hình thức sản xuất mới, sản xuất lớn, gắn với sự liên kết, hợp tác phù hợp với trình độ sản xuất phát triển…

Trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát triển khai việc thu mua tạm trữ gạo nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, hỗ trợ thị trường không để rớt giá; Ngân hàng nhà nước cơ cấu lại nợ, xử lý tín dụng cho nông dân và người nuôi cá, không để người dân phải bán lúa, bán cá để trả nợ.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về chính sách khuyến khích, phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Để khuyến khích phát triển cánh đồng mẫu lớn, Thủ tướng đồng tình sửa Nghị định 109 các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu, không phải có đất để sản xuất mà phải ký hợp đồng. Doanh nghiệp nào có đủ điều kiện đưa vào nghị định cho hợp đồng xuất khẩu. Không khuyến khích doanh nghiệp chỉ làm thương mại”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện chính sách ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhất là thủ tục và chu kỳ vay thuận lợi để phát triển sản xuất và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Để tiếp tục phát triển lợi thế cá tra, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra, gắn kết từ khâu sản xuất, tiêu thụ, chế biến đến xuất khẩu, trong đó cần đảm bảo sự gắn kết về lợi ích và chính sách. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẵn sàng có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi một phần từ trồng lúa sang trồng các loại hoa, mầu khác nhưng yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và các địa phương tính toán kỹ lưỡng chuyển đổi sang loại nào, giống nào phù hợp với điều kiện tự nhiên, có sức cạnh tranh và thị trường để người nông dân có lãi.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn mà trực tiếp là Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL nghiên cứu giống chất lượng cao, chịu trách nhiệm trước dân về năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu gắn với hướng dẫn người nông dân sản xuất. Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan tiếp thu, nghiên cứu và khẩn trương xử lý các kiến nghị liên quan đến cây lúa và cá tra để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lợi thế của ĐBSCL./.