Phong cách lãnh đạo đã thay đổi sau Nghị quyết Trung ương 4
Ngày 16/1/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là một trong những văn kiện đặc biệt quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới. Qua hơn một năm thực hiện, công tác xây dựng Đảng đã có những bước chuyển biến rõ nét về nhiều mặt.
Chuyển biến trong sinh hoạt Đảng, phương thức lãnh đạo
Qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 2/3/2012, của Ban Tổ chức Trung ương về nội dung sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức đảng được tiến hành một cách bài bản, khoa học hơn.
Nội dung sinh hoạt chi bộ được cấp ủy chuẩn bị chu đáo, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, các tính chất trong sinh hoạt đảng được coi trọng; tỷ lệ đảng viên tham dự sinh hoạt đảng đầy đủ hơn; dân chủ trong sinh hoạt Đảng được coi trọng và mở rộng hơn trước.
Với tinh thần đó, các tổ chức, cơ quan thực hiện chấn chỉnh đạo đức công vụ, phòng chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; cán bộ lãnh đạo, quản lý gương mẫu trong công tác và sinh hoạt để cán bộ dưới quyền và đảng viên noi theo, khắc phục triệt để bệnh vô cảm với dân của người phục vụ nhân dân,…
Việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt hơn. Hình thức, phương pháp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng cũng được đổi mới.
Nhiều cấp ủy chuẩn bị chu đáo cả nội dung và phương pháp truyền đạt nghị quyết, bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đưa nội dung kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trở thành nền nếp, thường xuyên trong sinh hoạt định kỳ của cấp ủy, ban thường vụ các cấp ủy và chi bộ.
Hầu hết các cấp ủy, cán bộ, đảng viên sau kiểm điểm có chương trình, kế hoạch cụ thể phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, sâu sát thực tế, gương mẫu, trách nhiệm hơn trong lời nói và việc làm.
Hội nghị kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 |
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực hơn
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, mặc dù công tác xây dựng Đảng có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn với nhiều nội dung nhiệm vụ, giải pháp lớn, liên quan trực tiếp tới toàn bộ hệ thống tổ chức đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, nên việc thực hiện Nghị quyết khó tránh khỏi một số hạn chế cần khắc phục.
Thứ nhất, nhận thức của một số cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở về Nghị quyết Trung ương 4 chưa thực sự sâu sắc, toàn diện. Do vậy, trong quá trình thực hiện ở một số nơi còn đơn giản, chưa thực hiện đầy đủ những nội dung, yêu cầu của nghị quyết, thậm chí có nơi làm chiếu lệ, hình thức.
Có không ít cán bộ, đảng viên nhận thức rằng thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết Trung ương 4 là chỉ làm một lần, hơn nữa cũng chỉ tập trung vào việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân; có cán bộ, đảng viên nghĩ rằng đã tiến hành kiểm điểm rồi là “thoát nạn”, đã “qua sông” nên chưa tự giác, quyết tâm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm.
Cũng có cán bộ, đảng viên nhận thức rằng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 lần này là dịp để đấu tố, bới móc, hạ bệ nhau, nên tinh thần, thái độ trong phê bình và tự phê bình có những biểu hiện lệch lạc, thiếu công tâm, khách quan.
Thứ hai, trong tổ chức thực hiện nghị quyết còn thiếu đồng bộ và đồng đều giữa các cấp ủy, tổ chức đảng. Bên cạnh những cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện tốt, đầy trách nhiệm và sáng tạo, tổ chức việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không kể thời gian trong hay ngoài giờ hành chính, cũng có cấp ủy chưa thực hiện đầy đủ nội dung yêu cầu của Nghị quyết, không xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, cấp trên chỉ đạo đâu thì làm đó.
Tình trạng nghe ngóng, chờ đợi, cấp dưới “nhìn” cấp trên diễn ra ở nhiều nơi, trong khi đó một số cấp ủy cấp trên lại thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới. Một số bí thư cấp ủy chưa chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, giải quyết từng vấn đề cấp bách, xác định rõ những việc cần làm ngay, thời gian hoàn thành và phân công người chịu trách nhiệm cụ thể.
Thứ ba, một số cấp ủy chưa chuẩn bị kỹ nội dung, yêu cầu của việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo hướng dẫn, việc lấy ý kiến góp ý còn hình thức. Hạn chế chung ở một số nơi là tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình chưa cao, nhiều cán bộ, đảng viên chưa tự giác, trung thực, thẳng thắn chỉ rõ những khuyết điểm của bản thân cũng như góp ý cho tập thể, đồng chí mình, ý kiến góp ý còn trùng lắp, dàn trải, dựa nhau, xuôi chiều.
Sau kiểm điểm, việc cụ thể hoá và triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm ở một số tổ chức, cá nhân còn chậm, chưa tích cực.
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, những hạn chế và những biểu hiện lệch nêu trên cần được khắc phục triệt để. Đồng thời cấp cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt ba nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra. Tiếp tục duy trì chế độ tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, gắn với kiểm điểm theo chức trách, nhiệm vụ được giao, với việc thực hiện quy định những điều đảng viên không được làm và với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm những hạn chế, yếu kém, những vụ việc tồn đọng kéo dài.
Hai là, tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết mới bắt đầu thực hiện và một số nhiệm vụ và giải pháp chưa được thực hiện, đặc biệt trong đó cần chú trọng xây dựng cơ chế dân chủ trong các khâu của công tác cán bộ, khắc phục triệt để các loại “chạy” trong công tác cán bộ như: chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy phiếu tín nhiệm…; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng lĩnh vực công tác.
Ba là, đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhất là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp khắc phục những khuyết điểm mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu và mỗi tổ chức, cá nhân đã đề ra.
Tích cực rà soát, kiểm tra và xem xét xử lý những cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực yếu kém, không chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật để làm trong sạch Đảng. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các khâu trong công tác cán bộ của cấp dưới; phát huy trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc thực hiện các giải pháp này.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.