Đo tín nhiệm từ Trung ương tới địa phương

      Việc lấy phiếu tín nhiệm tại các địa phương nhằm đảm bảo sự giám sát của cơ quan dân cử đối với những người giữ chức vụ.

Dư âm của việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đầu tháng 6 chưa kịp lắng xuống thì những ngày đầu tháng 7 này, dư luận lại hướng sự quan tâm vào việc lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp. Dù chưa hẳn kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở các địa phương đã phản ánh chính xác 100% thực tiễn nhưng chắc chắn rằng, lá phiếu của các đại biểu dân cử chính là thước đo tín nhiệm của cử tri đối với các chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính quyền. 

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước lấy phiếu tín nhiệm đối với 18 chức danh chủ chốt. Tiếp sau Hà Nội, hàng loạt tỉnh thành khác trong cả nước đã tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp của HĐND, trong đó có các tỉnh, thành phố lớn như Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, TP HCM… Nhìn chung, việc lấy phiếu tín nhiệm ở các địa phương đã được thực hiện một cách dân chủ, công khai, khách quan, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và tinh thần của Nghị quyết 35 và các hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của các địa phương đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nơi tiến hành từ cấp tỉnh rồi đến cấp huyện, cấp xã. Có nơi thì làm ngược lại.

Chủ tịch HĐND TP và Chủ tịch UBND TP thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (Ảnh: Đỗ Hưng)

Theo dõi kết quả  lấy phiếu tín nhiệm tại các địa phương, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Trong số các cuộc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp tỉnh, chưa có vị nào có số phiếu tín nhiệm thấp vượt quá bán dẫn đến việc tiếp tục xử lý, nhưng việc phân hóa số phiếu tín nhiệm 3 mức rõ rệt hơn. Còn ở cấp xã, theo tôi biết, có người đã nhận được số phiếu tín nhiệm thấp quá bán”.

Nếu như ở Quốc hội, gần 500 đại biểu tiến hành bỏ phiếu cho 47 chức danh thì ở cấp địa phương, số người được lấy phiếu tín nhiệm nhiều nhất cũng chưa đến 20. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn. Thuận lợi vì các đại biểu dân cử có thể nắm rõ hơn về mức độ hoàn thành công việc cũng như phẩm chất đạo đức của từng người, không bị lệ thuộc quá nhiều vào báo cáo. Nhưng cũng vì mối quan hệ gần gũi mà lá phiếu có thể bị chi phối , nhất là cấp huyện, cấp xã.

Suy nghĩ đó của ông Đào Trọng Thi cũng là suy nghĩ chung của nhiều người. Bên cạnh đó, cũng giống như ở Quốc hội, số phiếu tín nhiệm cao thường nghiêng về một số vị trí chủ chốt của HĐND và số phiếu tín nhiệm thấp lại nghiêng nhiều về một số giám đốc Sở.

Ông Dương Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm CLB Thăng Long – nơi sinh hoạt của các cán bộ trung và cao cấp tại Hà Nội cho rằng, thực tế này cứ lặp đi lặp lại thì chúng ta cũng phải suy nghĩ: “Tất nhiên, có những người có khuyết điểm thuộc về chủ quan mà đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp nhiều là đúng, nhưng cũng có  trường hợp do khách quan. Công việc phức tạp, va chạm nên số phiếu thấp. Theo tôi, chúng ta có nên bỏ phiếu chung như vậy không? Hay là bỏ phiếu riêng cho Quốc hội và riêng cho bên Chính phủ, cấp địa phương cũng vậy thì nó đỡ cộm”.

Xem xét lại đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm cũng là trăn trở của các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội. Theo bà Ngô Thị Doãn Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố, việc lấy phiếu tín nhiệm vừa qua của Hà Nội có hai loại ý kiến. Thứ nhất, ngoài các chức danh do HĐND bầu, một số đại biểu đề nghị nên lấy phiếu tín nhiệm với Giám đốc các Sở hoặc thủ trưởng các ngành thuộc UBND thành phố. Có ý kiến đề nghị, với HĐND thì không nhất thiết lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh là trưởng ban HĐND.

Theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, người được lấy phiếu tín nhiệm nếu 2 năm liên tiếp có số phiếu tín nhiệm thấp dưới 50% và ngay trong năm đầu tiên, số phiếu tín nhiệm thấp dưới 75% thì người đó sẽ được xem xét để bỏ phiếu tín nhiệm.

Với việc chia 3 mức để lấy phiếu tín nhiệm hiện nay thì rõ ràng, số người nằm trong “vòng nguy hiểm” là rất khó. Do vậy, có ý kiến đề nghị, Quốc hội nên xem xét lại, có nhất thiết phải có 50% số phiếu tín nhiệm thấp trong 2 năm liên tiếp hay là chỉ cần 20% hay 30%.

Theo ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, ai có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều sẽ tự thấy mình thiếu sót những gì để phấn đấu, hoàn thiện mình hơn nữa. Tuy nhiên, ông Thọ cũng thẳng thắn cho biết, sau đúng 1 năm, HĐND thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm chỉ với 2 nội dung: tín nhiệm và không tín nhiệm.

Kết quả bước đầu việc lấy phiếu tín nhiệm tại các địa phương dù còn nhiều việc phải bàn nhưng không thể phủ nhận rằng, cơ chế lấy phiếu tín nhiệm là một cơ chế tiên tiến, đảm bảo sự giám sát của cơ quan dân cử đối với những người giữ chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính quyền. /.