Phim Trung Quốc bị “phê bình” vì thiếu tính nhân văn

Năm 2010, doanh thu phòng vé của Trung Quốc đạt hơn 10 tỷ NDT. Đây được coi là một thành công ngoài mong đợi, song các nhà làm phim nước này vẫn được cảnh báo phải lưu ý tới nhiều vấn đề khác trong nền công nghiệp này, như phim thiếu tính nhân văn và sự khiếm nhã ngày càng gia tăng.

Đường Sơn đại địa chấn - bộ phim vừa giàu tính nhân văn vừa lập kỷ lục doanh thu với 673 triệu NDT
Đường Sơn đại địa chấn - bộ phim vừa giàu tính nhân văn vừa lập kỷ lục doanh thu với 673 triệu NDT .


Tại cuộc họp báo tổ chức hôm 7-1, ông Tong Gang, Cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia (SARFT), nói: “Các nhà làm phim Trung Quốc phải biết rằng doanh thu phòng vé là một thước đo cốt yếu, nhưng nó không thể phản ánh được tình hình chung của nền công nghiệp điện ảnh và nó đương nhiên không thể che lấp được mọi vấn đề. Phim Trung Quốc có thể được giới phê bình ca ngợi nhưng chưa đáp ứng được các nhu cầu văn hóa của khán giả khi lượng lớn các sản phẩm điện ảnh thiếu tính nhân văn, thiếu tính hiện thực và thẩm mỹ. Nhiều nhà làm phim vẫn giữ tư tưởng ‘thương mại’ có nghĩa là phim phải có các cảnh đẫm máu, bạo lực, hài hước và khiếm nhã. Làm phim không đơn giản chỉ theo dõi phản ứng của thị trường, mà còn phải hiện thân cho các giá trị văn hóa”.

Năm ngoái, phim Đường Sơn đại địa chấn của đạo diễn Phùng Tiểu Cương thu về được 673 triệu NDT - lập kỷ lục doanh thu mới cho phim nội địa. Tuy nhiên, so với hơn 600 bộ phim khác được sản xuất trong năm 2010 thì chỉ có 16 phim (trong đó có Đường Sơn đại địa chấn) là đạt ngưỡng hơn 100 triệu NDT.

Theo ông Tong, các nhà làm phim trẻ chưa làm ra được các bộ phim có ảnh hưởng để thâm nhập vào dòng phim chủ đạo và chinh phục được khán giả. Hơn nữa, nền công nghiệp điện ảnh còn nhiều vấn đề như nạn sao chép lậu, tạo số doanh thu giả và doanh thu ở hải ngoại chưa chính xác.