Vỡ đập thủy điện ở Lào ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đã trao đổi riêng với Báo Người Lao Động về sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào.
Nước tuôn xối xả từ đập thủy điện bị vỡ khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích – Ảnh: Attapeu Today
Trong cuộc trao đổi riêng với phóng viên Báo Người Lao Động tối 24-7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cho biết “có nhiều thông tin báo chí đưa chưa được chuẩn xác về thủy điện Xepian-Xe Nam Noy của Lào bị vỡ”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai
Trả lời câu hỏi của Người Lao Động việc vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết: “Thông tin các báo mạng đang nói về đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy là hết sức không chính xác”.
Ông Thắng cho biết Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tìm hiểu, cũng như Thủ tướng Chính phủ cũng đã trao đổi với phía Lào, cho thấy: “Đây là chiếc đập đang trong quá trình thi công. Dung tích thiết kế là 1,034 tỉ m3 chứ không phải 5 tỉ m3 như các báo đưa. Đang được thi công và đã bắt đầu tích nước. Tuy nhiên, lượng nước tích được hiện nay chưa ai xác định được nên chưa thể có thông số chính xác”- ông Thắng cho hay.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết các cơ quan khoa học của Việt Nam đã tính toán lưu lượng nước về từ thủy điện chặn dòng. Theo đó, các nhà khoa học đánh giá: “Khi nước về đến Tân Châu, Châu Đốc (An Giang) có thể mực nước ở khu vực này sẽ dâng lên khoảng 5 cm so với hiện nay”- ông Thắng cho biết và các nhà khoa học vẫn đang giám sát chặt.
“Với khoảng cách 650 km, theo tính toán, thời gian nước từ thủy điện Xepian-Xe Nam Noy bị vỡ về đến Việt Nam khoảng 5-6 ngày”- ông Thắng cung cấp thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, “Đây là những thông tin hết sức sơ bộ, vì thời gian quá ngắn để thu thập và xử lý dữ liệu thông tin”.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh: “Dung tích toàn bộ của thủy điện này là 1,034 tỉ m3, đây là thông tin chính xác tuyệt đối. Hiện mới đang tích nước chứ chưa phải là tích đầy nước, vì thủy điện này đang trong quá trình vừa thi công, vừa tích nước”.
“Với các dữ liệu lưu lượng nước về hiện nay, thủy điện này mới chỉ tích được khoảng trên 500 triệu m3 và khi về đến Việt Nam, có thể chỉ làm dâng thêm 5 cm ở khu vực Tân Châu, Châu Đốc. Đây là kịch bản tính sơ bộ, còn hiện tại các cơ quan đang giám sát chặt diễn biến sự cố này để có ứng phó kịp thời”- Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho hay.
Theo BBC, hơn 6.600 người đã mất nhà cửa vì vụ vỡ đập thủy điện – Ảnh: Metro
Trước đó, hàng trăm người đang mất tích sau khi đập thủy điện ở phía Đông Nam tỉnh Attapeu – Lào, bị vỡ vào tối 23-7. Hãng Thông tấn Lào (KPL) cho biết con đập bị vỡ xả ra 5 tỉ lít nước khiến “nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người khác mất tích”.
Loạt ảnh được chia sẻ trên mạng cho thấy người dân di chuyển qua dòng nước bùn để giải cứu người già và trẻ nhỏ. Một số người khác phải leo lên mái nhà để tránh nước. Hiện chưa có số liệu chính xác về số người mất tích.
Vỡ đập ở Lào: Mực nước Tân Châu, Châu Đốc tăng 5-6 cm
Khoảng 4 ngày nữa mực nước do ảnh hưởng từ con đập bị vỡ ở Lào về đến đồng bằng sông Cửu Long nhưng không ảnh hưởng đáng kể
Trong những năm gần đây, nhiều hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, trong đó đặc biệt liên quan đến việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, đang dẫn tới những biến đổi và tác động chưa thể lường hết đối với dòng sông Mekong và khả năng duy trì sinh kế, phát triển bền vững của các cộng đồng dân cư dọc theo mạch sống của con sông quốc tế này. Thực tế này ngày càng trở nên trầm trọng trong điều kiện của biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của các đập thủy điện ở thượng lưu sông Mekong.Lào có tiềm năng lớn về thủy điện nên trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia có quy hoạch hệ thống đập thủy điện trên lưu vực hạ lưu sông Mekong (kể cả các sông nhánh) để phát điện và phần lớn là xuất khẩu điện sang Thái Lan.
Dự án đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy Ảnh: GOOGLE – BBC
Khi xây dựng các công trình thủy điện, chắc chắn có cả 2 mặt được và mất. Nhiệm vụ của chủ đầu tư và những nhà hoạch định chính sách phải giải bài toán sao cho cái được là lớn nhất, cái mất là ít nhất và phải bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Theo thông tin của Hãng Thông tấn Lào (KPL), đập thủy điện được xây bởi Công ty Điện Xe-Pian Xe-Namnoy, còn được gọi là PNPC, ở tỉnh Attapeu bị vỡ vào tối 23-7 làm chết hàng chục người và mất tích hàng trăm người, khiến 6 bản ở huyện Sanamxay bị chìm trong biển nước.
Vỡ đập sợ nhất xảy ra vào mùa khô do dòng chảy trên lòng dẫn gây đột biến về mực nước, còn mùa lũ chảy tràn nên ảnh hưởng không lớn. Cần phải điều tra, khảo sát đánh giá về lượng mưa, đặc biệt là quá trình thực hiện từ khâu thiết kế đến thi công và vận hành để xác định nguyên nhân vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy.
Công trình thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nằm trên sông Xe-Namnoy thuộc 2 tỉnh Champask và Attapeu. Vị trí xây dựng công trình cách dòng chính khoảng 200 km (tính đến StungTreng).
Tại đồng bằng sông Cửu Long, mực nước ở Tân Châu hiện nay là 2,6 m (cao hơn lũ trung bình nhiều năm). Từ nay đến ngày 15-8, xu thế mực nước tăng dần có khả năng lên đến 3,2 m. Vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy gây thiệt hại trực tiếp ở ngay hạ vùng lưu đập và tác động đến StungTreng. Đập Xe-Pian Xe-Namnoy cách Việt Nam khoảng 650 km.
Theo quan trắc số liệu và tính nhanh bài toán thủy lực, khoảng 4 ngày nữa mực nước do ảnh hưởng của vỡ đập mới về đến đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng chỉ dâng cao ở Tân Châu và Châu Đốc lên thêm 5-6 cm, nghĩa là ảnh hưởng không đáng kể.
Xây dựng các đập trên sông Mekong là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đời sống của nhân dân thuộc lưu vực sông và quan hệ giữa các nước trong khu vực. Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ, khoa học và khách quan, đồng thời gắn chặt nghiên cứu với thực tế đã và đang diễn ra để có thể khai thác, sử dụng tài nguyên nước vì quyền lợi chung của các nước trong lưu vực. Nếu để vỡ các đập có dung tích lớn và xảy ra hiện tượng domino thì hậu họa khôn lường.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.