Nhiều người tiêu dùng vẫn bị lừa khi mua hàng qua điện thoại
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp nhận nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc bị lừa đảo qua điện thoại.
Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng nhận được điện thoại về việc trúng phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng, được sử dụng để mua điện thoại trị giá 8 triệu đồng (người tiêu dùng chỉ phải trả 3 triệu đồng). Cùng với đó, người tiêu dùng được tặng kèm phiếu mua hàng trị giá nhiều triệu đồng để mua hàng tại các siêu thị trên toàn quốc.
Để tạo uy tín và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, các đối tượng lừa đảo thường cung cấp một số thông tin chính xác liên quan đến giao dịch trước đó của người tiêu dùng (ví dụ, thông báo việc người tiêu dùng mua sắm tại Trung tâm thương mại A, tại Siêu thị điện máy B… nên có cơ hội trúng thưởng hoặc mua hàng với giá ưu đãi…), khiến người tiêu dùng cho rằng đây là chương trình do doanh nghiệp uy tín thực hiện.
Nhiều hình thức lừa đảo người tiêu dùng được thực hiện qua điện thoại. |
Sau khi chuyển tiền giao dịch, các đối tượng lừa đảo thường chuyển hàng qua bưu điện, thanh toán tiền trước khi mở hàng. Tuy nhiên, sản phẩm mà người tiêu dùng nhận được là điện thoại có giá trị rất thấp, thậm chí không sử dụng được. Cùng với đó, phiếu mua hàng không có giá trị sử dụng như quảng cáo.
Trước hiện tượng này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD – Bộ Công Thương) khẳng định, việc giải quyết các vụ việc nêu trên thường rất khó khăn. Các đối tượng có chủ đích lừa đảo sử dụng thông tin liên hệ không chính xác (số điện thoại không đăng ký chính chủ, sử dụng địa chỉ giả, mạo danh tên đơn vị khác…) hoặc không có đủ cơ sở pháp lý để làm việc với các bên liên quan do các giao dịch đều thực hiện qua điện thoại.
Do đó, nhằm ngăn chặn các thiệt hại, rủi ro cho người tiêu dùng khi tiếp nhận các thông tin quảng cáo, chào mời mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng với hình thức mời mua hàng, thông báo thông tin qua điện thoại, tin nhắn, đặc biệt là từ số điện thoại di động với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác.
“Khi nghe tư vấn, người tiêu dùng nên tỉnh táo, tránh tình trạng bị cuốn vào thông tin quảng cáo hoặc thông tin trúng thưởng, dễ mất cảnh giác với thủ đoạn của đối tượng. Trong mọi tình huống, người tiêu dùng cần kiểm tra lại thông tin do đối tượng cung cấp để đảm bảo tính chính xác, đặc biệt lưu ý không thực hiện theo các hướng dẫn kiểm tra của đối tượng (ví dụ, đối tượng hướng dẫn người tiêu dùng gọi điện tới số điện thoại khác để kiểm tra…)”, Cục CT&BVNTD khuyến cáo.
Trường hợp nhân viên bưu điện yêu cầu trả tiền trước khi nhận hàng, người tiêu dùng nên từ chối và hủy thực hiện giao dịch. Khi có vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ, người tiêu dùng có thể liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.