Nguyệt thực toàn phần 28/7: Nơi nào ở Việt Nam xem đẹp nhất?
Từ 0h14 ngày 28/7, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.
Rạng sáng 28/7, hiện tượng nguyệt thực toàn phần sẽ kéo dài từ 0h14 cho đến sáng khi mặt trời mọc. Nguyệt thực lần này có điểm đặc biệt là “pha” toàn phần kéo dài 103 phút được thống kê là nguyệt thực toàn phần dài nhất trong thế kỷ 21.
Người quan sát tại Việt Nam có nguy cơ khó quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này do dự báo những đợt mưa và mây mù mà áp thấp nhiệt đới gây ra.
Do đó, để xem được đẹp nhất, người quan sát nên đến những nơi có góc nhìn rộng, ban công tòa nhà cao tầng hoặc những nơi xung quanh không gian tương đối trống trải sẽ quan sát thấy rõ hơn. Lưu ý nên chọn những địa điểm ít bị ô nhiễm không khí.
Việc quan sát nguyệt thực toàn phần sẽ khó khăn hơn tại Hà Nội vì Thủ đô ít nhiều bị ô nhiễm không khí, thêm với việc có thể có mưa. Trong trường hợp không mưa, có thể đứng trên sân thượng, ban công hoặc bất cứ nơi nào có góc nhìn rộng.
Người dân hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần dụng cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu có dụng cụ như kính thiên văn hoặc ống nhòm sẽ quan sát hiện tượng đẹp hơn.
Lịch trình chi tiết của hiện tượng nguyệt thực toàn phần (theo giờ Việt Nam diễn ra như sau – tính từ rạng sáng ngày 28/7/2018):
00h14 phút: Bắt đầu pha nửa tối
01h24 phút: Bắt đầu pha một phần
02h30 phút: bắt đầu pha toàn phần
03h21 phút: Nguyệt thực cực đại (Mặt Trăng đi sâu nhất vào bóng tối của Trái Đất)
04h13 phút: Kết thúc pha toàn phần
05h19 phút: Kết thúc pha một phần
06h28 phút: Kết thúc pha nửa tối (không quan sát được giai đoạn này)
Theo dự báo thời tiết, những nơi lý tưởng để ngắm hiện tượng Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21 có thể kể đến các khu vực từ Thừa Thiên – Huế trở vào, nhất là ven biển Trung Bộ, Nam Bộ như: Nha Trang, Phú Quốc, Vũng Tàu hay Bến Tre…
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.