Phát triển đô thị cần có cơ chế chính sách và nhiều giải pháp quan trọng
(THTG) Ngày 02/8 UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển đô thị tỉnh Tiền Giang năm 2018 và những năm tiếp theo. Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh và ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị phát triển đô thị tỉnh Tiền Giang 2018. Ảnh: Lê Long
Các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng và đề xuất cơ chế chính sách, đưa ra các giải pháp để phát triển đô thị. Theo đó, Tiền Giang hiện có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 01 đô thị loại 1, 01 đô thị loại 3, 01 đô thị loại 4 và 07 đô thị loại 5. Hiện nay, công tác qui hoạch ngày càng được các địa phương quan tâm, thể hiện được tư duy đổi mới và tầm nhìn dài hạn, tỉ lệ phủ kín quy hoạch phân khu tăng lên đáng kể, chất lượng đồ án được cải thiện. Cụ thể như Thị xã Gò Công, là hạt nhân vùng kinh tế đô thị phía đông của tỉnh, vừa được công nhận đô thị loại 3 vào năm 2017.
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Long
Để UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt 11 đồ án qui hoạch chung đô thị, 02 đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. UBND huyện phê duyệt 07 đồ án quy hoạch phân khu, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu từ 45% trở lên. Hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khi được công nhận không nợ tiêu chí. Điều này cho thấy sự nổ lực của các địa phương trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng và các tiêu chí khác, theo quy định tương ứng với cấp loại đô thị. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư của địa phương, Tiền Giang còn được hưởng lợi từ nguồn vốn dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án thành phố Mỹ Tho có tổng mức trên 56.220.400 USD.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Lê Long
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh TIền Giang ghi nhận những ý kiến đóng góp cũng như những kiến nghị của các sở, ngành địa phương. Ông cho rằng phát triển đô thị nông thôn là một trong những vấn đề quan trọng hiện nay. Ông cũng đề nghị các sở ngành tiến hành kiểm tra, nhằm đánh giá lại công tác phát triển đô thị, bởi lẽ hiện nay, tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt hơn 15%; Vùng trung tâm đạt khoảng hơn 22%; Vùng phía Tây đạt khoảng trên 85%; Vùng phía Đông đạt khoảng hơn 15%.
Ngã 3 Trung Lương Tp. Mỹ Tho. Ảnh: Flycam Trần Liêm
Đô thị Tp. Mỹ Tho nhìn từ Sông Tiền. Ảnh flycam Trần Liêm
Hơn nữa, theo chỉ tiêu Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang về phát triển kinh tế – đô thị 3 vùng của đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 đề ra: Tiền Giang sẽ tăng tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2020: dự kiến toàn tỉnh đạt khoảng 22%; Vùng trung tâm đạt khoảng 28%, Vùng phía Tây đạt khoảng 15%; Vùng phía Đông đạt khoảng 24%. Dựa vào những số liệu trên cho thấy, tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh và của từng vùng đến nay còn thấp so với chỉ tiêu đã đề ra. Tỉ lệ đô thị hóa thấp, đồng nghĩa số dân đô thị thấp, chưa có dự án động lực thu hút lao động, dân cư đến sinh sống làm việc và thụ hưởng; công tác kêu gọi đầu tư của các địa phương chưa như mong muốn… Chính vì vậy, những đề xuất, cơ chế chính sách đề ra tại hội nghị lần này được xem là nền tảng quan trọng để Tiền Giang đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020, toàn tỉnh Tiền Giang có 16 đô thị, trong đó có 01 đô thị loại 1, 02 đô thị loại 3; 12 đô thị loại 5. Mục tiêu này được xem là cơ sở cho các địa phương từng bước xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đô thị, có cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và kỹ thuật hiện đại, có môi trường đô thị trong sạch, được phân bố và phát triển hợp lý trên địa bàn, đảm bảo mỗi đô thị phát triển ổn định, cần bằng bền vững, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thùy Trang
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.