Chủ tịch Tôn Đức Thắng: Một nhân cách lớn
Cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã để lại nhiều bài học về sự hy sinh, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc
Giản dị, khiêm tốn
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Tôn, người CN ưu tú đã để lại những dấu ấn không thể xóa nhòa trong lòng các thế hệ người Việt. Đó là hình ảnh người thợ, người chiến sĩ can trường, nói ít, làm nhiều nhưng lại vô cùng giản dị và khiêm tốn. Theo GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, điều đáng khâm phục ở Bác Tôn là dù ở vị trí nào chăng nữa, Bác vẫn luôn xem mình là người phục vụ của nhân dân, phục vụ đất nước. Chất thợ là chất người của Bác, luôn khiêm nhường, giản dị và gần gũi với nhân dân.
GS-TS Hoàng Chí Bảo nhắc lại câu chuyện có lần Bác Tôn nói với người thư ký của mình rằng: “Mình với Bác Hồ có giống nhau cũng vì cùng là người thợ. Nhưng mình chỉ bằng Bác Hồ được về mặt lao động thôi. Về chính trị cũng như văn học, mình không sánh được. Bác Hồ là bậc thầy về mọi mặt”. Lời tâm sự ấy cho thấy sự chân thành và đức khiêm tốn của Bác Tôn. “Thật cảm động khi chúng ta xưng hô với Bác Tôn, gọi Bác là Bác, Bác căn dặn chúng ta bằng câu nói tự đáy lòng. Bác nói, từ “Bác” chỉ nên dành riêng để gọi Bác Hồ thôi. Nó thiêng liêng và cao quý lắm, đó là tình cảm mà tất cả chúng ta, mọi người trong nước cũng như bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ. Còn với tôi, gọi đồng chí là được rồi. Nghe những người giúp việc và từng làm việc với Bác kể lại vậy, mỗi chúng ta đều thấm thía, càng kính trọng và ngưỡng mộ Bác. Bác Tôn khiêm tốn đến như thế, cao thượng đến như thế. Nhân cách của Bác mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo” – GS-TS Hoàng Chí Bảo nhận định.
Sáng mãi tinh thần Ba Son
Nhắc đến Chủ tịch Tôn Đức Thắng không thể không nhắc đến Công hội bí mật và cuộc bãi công của CN Nhà máy Ba Son, năm 1925, bước ngoặt phát triển của phong trào CN Việt Nam.
Trình bày tham luận tại hội thảo, trung tá Mai Hữu Thành, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng Công ty Ba Son, cho biết sau khi tham gia cuộc binh biến trên hạm đội Pháp ở Biển Đen năm 1919 để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Tôn Đức Thắng bị buộc phải rời khỏi nước Pháp và trở về nước. Thời điểm đó, phong trào CN Sài Gòn đang diễn ra mạnh mẽ, với lòng yêu nước, nhiệt tình, Bác Tôn đã tập hợp được anh em CN Sài Gòn vào Công hội bí mật do mình tổ chức. Đây là Công hội đầu tiên của giai cấp CN Việt Nam. Công hội đã tham gia vào tất cả các phong trào đấu tranh yêu nước, các cuộc biểu tình, mít tinh…
Tháng 8-1925, trước tình hình đấu tranh của nhân dân Trung Quốc, các nước đế quốc phương Tây rắp tâm đưa lực lượng qua trấn áp. Hải quân Pháp tham gia chiến dịch này gồm một hạm đội gồm 3 chiến hạm, trong đó, chiếc tuần dương thiết giáp Jules Michelet đến kỳ bảo dưỡng và được đưa vào Sài Gòn để sửa chữa. Lúc bấy giờ, Ba Son là xưởng đóng tàu lớn, công xưởng hiện đại của Hải quân Pháp tại Viễn Đông. Nắm được nguồn tin quan trọng này, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và hội viên Công hội tìm cách giam chân chiến hạm Jules Michelet bằng việc tổ chức, vận động CN Ba Son bãi công. Ngày 4-8-1925, dưới sự lãnh đạo của Công hội bí mật, CN Ba Son đã tiến hành cuộc bãi công nhằm trì hoãn việc sửa chữa tàu. Ban lãnh đạo đình công đưa kiến nghị lên giám đốc đòi giải quyết các yêu sách: Tăng lương cho tất cả CN lên 20%; phải gọi lại số thợ bị đuổi việc trong các cuộc đình công trước đây làm việc lại; ngày lĩnh lương phải cho nghỉ trước nửa giờ như thường lệ. Mặc dù bị hăm dọa, mua chuộc, nhưng anh em CN không hề nao núng, vẫn tiếp tục đình công. Để ủng hộ cuộc đấu tranh, hàng vạn công nhân, viên chức Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã quyên góp gạo, tiền giúp đỡ cuộc đình công. Cuối cùng, ban giám đốc xưởng Ba Son buộc phải nhượng bộ và điều đình. Cuộc đình công chấm dứt thắng lợi, anh em CN chuyển sang hình thức bãi công, kéo dài thời gian sửa chữa chiến hạm. Mãi đến ngày 28-11-1925, chiến hạm Jules Michelet mới ra khỏi xưởng Ba Son, sau khi bị “giam” ở đây 3 tháng rưỡi. “Cuộc đấu tranh của hơn 1.000 CN Ba Son đã nói lên trình độ tự giác, tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp và tinh thần yêu nước của CN Việt Nam lúc bấy giờ. Suốt hơn 90 năm qua, tinh thần của những người thợ Ba Son trở thành ngọn lửa hun đúc tinh thần cho CN các thế hệ của Tổng Công ty Ba Son và đội ngũ CN TP” – trung tá Mai Hữu Thành, Phó Chủ nhiệm Chính trị Tổng Công ty Ba Son, nhìn nhận.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Niềm tự hào của giai cấp công nhân
Chia sẻ về những giá trị đặc biệt của tổ chức Công hội bí mật do Chủ tịch Tôn Đức Thắng sáng lập và trực tiếp chỉ đạo để tập hợp, đoàn kết và lãnh đạo công nhân đấu tranh, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định dù chỉ hiện hữu trong một thời gian rất ngắn ở một địa phương nhưng tổ chức này có một tầm vóc và ý nghĩa riêng, vượt lên trên so với tất cả các hình thức tổ chức của CN trước và cùng thời ở Việt Nam. Đây là tổ chức biểu hiện tính chính trị đầu tiên của CN Việt Nam.
Theo ông Hải, dù không có bản điều lệ song Công hội bí mật là tổ chức chặt chẽ, có quan điểm sâu sắc và toàn diện về hội viên. Cống hiến quan trọng của Công hội là xác lập nhiệm vụ mang tính cách mạng. Đó là sự đoàn kết giai cấp CN, đấu tranh bênh vực quyền lợi CN và nhân dân lao động, chống đế quốc tư bản bóc lột, bất công. Cuộc đấu tranh của CN Ba Son là biểu hiện sinh động của Công hội, phản ánh trình độ tổ chức đấu tranh mang tính thời đại lúc bấy giờ. “Quá trình hình thành và phát triển của Công hội bí mật đã mang lại những bài học kinh nghiệm giá trị. Đó là việc hoàn thiện mô hình tổ chức CĐ phải đáp ứng yêu cầu của phong trào CN, tiếp thu sáng tạo kinh nghiệm quốc tế, thiết kế phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam” – ông Hải nhấn mạnh.
GS-TS PHÙNG HỮU PHÚ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận trung ương:
Vĩ đại trong sự bình thường
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một nhân cách lớn, kết tinh những phẩm giá của một con người suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong cuộc đời mình, Bác Tôn đã kinh qua nhiều cương vị, từ người CN bị áp bức bóc lột, người cán bộ CĐ bí mật, người cán bộ Đảng ở địa phương đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của hệ thống chính trị cấp trung ương và trở thành nguyên thủ quốc gia nhưng thủy chung về tư tưởng, tâm hồn, phong cách, Bác vẫn luôn là người CN đích thực. Ông vĩ đại trong sự bình thường, cao quý trong sự dung dị, là niềm tự hào của giai cấp công nhân và tổ chức CĐ Việt Nam.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.