Kinh tế Venezuela mất định hướng
Các nhà kinh tế cho rằng gói biện pháp mới không giải quyết được những vấn đề cốt lõi mà nền kinh tế Venezuela đang đối mặt
Lạm phát 1.000.000%?
Đáng chú ý là sự xuất hiện của đồng nội tệ mới, gọi là bolivar soberano và bị giảm 5 chữ số 0 so với đồng bolivar đang bị mất giá nhanh chóng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát phi mã. Các ngân hàng ở Venezuela đóng cửa ngày 20-8 để chuẩn bị cho sự ra mắt của đồng tiền mới này.
Ngoài ra, theo AP, ông Maduro cho biết sẽ tăng giá xăng trong nước – hiện thuộc loại rẻ nhất thế giới – lên mức ngang với quốc tế vào cuối tháng 9 để giảm buôn lậu nhiên liệu qua biên giới. Ngoài ra, lương tối thiểu sẽ tăng hơn 3.000% dù chưa rõ khi nào thay đổi này bắt đầu.
Dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng gói biện pháp trên đe dọa “đổ dầu” vào siêu lạm phát hơn là giải quyết những vấn đề cốt lõi mà nền kinh tế Venezuela đang đối mặt, như sản lượng dầu khai thác xuống mức thấp nhất từ năm 1947. “Nếu chỉ bỏ bớt mấy số 0 mà không thay đổi chính sách tiền tệ, mọi chuyện vẫn như cũ” – ông Steve H.Hanke, chuyên gia về siêu lạm phát tại Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cảnh báo.
Người dân địa phương đốt hành lý của người Venezuela tại thị trấn Pacaraima – Brazil hôm 18-8Ảnh: REUTERS
Từng là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất Mỹ Latin khi nắm trong tay trữ lượng dầu thô hàng đầu thế giới, Venezuela rơi vào khủng hoảng do giá dầu sụt giảm cộng với nạn tham nhũng và tình trạng quản lý kém, theo AP. Kinh tế Venezuela bị suy thoái năm thứ 4 liên tiếp và liên tục thiếu hụt nhu yếu phẩm trong lúc các dịch vụ công hầu như tê liệt.
Quốc hội nước này cho biết lạm phát cán mức 82.700% trong tháng 7, khiến người dân phải mang cả chồng tiền đi mua nhu yếu phẩm – dù tiền không dễ kiếm. Đáng lo hơn, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát của Venezuela sẽ tăng lên tỉ lệ chóng mặt 1.000.000% năm nay.
Thiếu niềm tin
Không bỏ qua cơ hội, phe đối lập kêu gọi biểu tình, đình công khắp nước và thúc giục các cơ sở kinh doanh đóng cửa ngày 21-8 để phản đối thực trạng kinh tế. Ông Andres Velasquez, một thủ lĩnh đối lập, đánh giá những biện pháp cải cách của chính phủ chỉ khiến tình hình thêm xấu đi chứ không thể phục hồi kinh tế. Đáp lại, ông Maduro thúc giục người dân tin tưởng vào mình sau khi không ít lần đổ lỗi Mỹ và một số nước khác phát động chiến tranh kinh tế chống lại Venezuela.
Các nhà phân tích cảnh báo sự thiếu niềm tin là một trong những nguyên nhân chính đe dọa sự thành công của kế hoạch. Theo tờ The Washington Post (Mỹ), những biện pháp được thực thi có thể chỉ mang tính bề mặt một khi ngân hàng trung ương vẫn in tiền để trang trải chi tiêu chính phủ – nguyên nhân gốc rễ dẫn đến siêu lạm phát hiện nay.
2,4 kg thịt già có giá 14,6 triệu bolivar. Ảnh: Reuters
1 kg cà rốt giá 3.000.000 bolivar. Ảnh: Reuters
Cuộn giấy vệ sinh giá 2.600.000 triệu bolivar. Ảnh: Reuters
Tổng thống Maduro nhấn mạnh kế hoạch của ông nhằm giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng nguồn thu thông qua đánh thuế cao hơn và nâng giá xăng. Dù vậy, một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ bởi tập đoàn dầu khí nước này khai thác ít hơn 3 thập kỷ trước. Ông Francisco Rodríguez, nhà kinh tế học tại Ngân hàng Đầu tư Torino Capital (Mỹ), nhận định kế hoạch sẽ thất bại, chủ yếu vì không ai tin rằng chính phủ Venezuela sẽ ngưng in tiền.
Không chỉ gây rối loạn trong nước, sự lao đao của kinh tế Venezuela còn khiến tình hình khu vực căng thẳng bởi người dân nước này chạy sang các quốc gia láng giềng để tìm kiếm thực phẩm và nơi trú ẩn. Ecuador và Peru gần đây đã ban hành quy định chỉ cho phép người Venezuela có hộ chiếu nhập cảnh sau khi đón nhận hàng chục ngàn người từ nước láng giềng.
Nghiêm trọng hơn, chính phủ Brazil dự định triển khai binh sĩ đến thị trấn Pacaraima sau khi người dân ở đó tấn công người Venezuela đến từ bên kia biên giới. Xung đột xảy ra sau khi một số người Venezuela đâm và cướp một thương nhân địa phương hôm 18-8. Một ngày sau đó, khoảng 1.200 người Venezuela đã rời Pacaraima về quê nhà do lo ngại sự an toàn của mình.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.