Nước lũ tràn đập, các tỉnh ĐBSCL xả lũ sớm hơn dự kiến
Xả lũ đập Tha La, An Giang
Chiều 27-8, nguồn tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang cho biết, nước lũ lên cao đột ngột tràn qua đập Tha La và Trà Sư thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Trước diễn biến đột ngột của nước lũ, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang và Kiên Giang đã họp khẩn và thống nhất việc xả đập sẽ diễn ra vào ngày 31-8 tới thay vì là ngày 3-9 như dự kiến trước đó.
Đập Tha La và Trà Sư là công trình đập bằng cao su có cao trình đỉnh là 3,80m. Chiều dài thân đập của Trà Sư là 90m và Tha La 72m. Đập có công dụng ngăn lũ đầu và cuối vụ nhằm kiểm soát mực nước lũ vùng đầu nguồn Tứ giác Long Xuyên.
Hiện nước lũ đang chảy tràn qua đập Tha La và Trà Sư với lưu tốc khá cao. Việc xả đập sớm hơn dự kiến sẽ giúp kiểm soát lưu lượng nước lũ, làm giảm áp lực nước đối với vùng thượng nguồn đổ về.
Việc nước lũ tràn đập Tha La và Trà Sư buộc An Giang phải xả lũ sớm hơn dự kiến và chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân ở vùng Tứ giác Long Xuyên – cụ thể là Kiên Giang và Cần Thơ.
Chính vì vậy, việc các địa phương thông báo, tuyên truyền và tăng cường các giải pháp hỗ trợ người dân là rất cần thiết để giảm thiểu những rủi ro do nước lũ gây ra.
Trước tình hình lũ trên hệ thống sông Cửu Long dâng cao tới 4,5m (vượt 1m so với dự báo cũ), ngày 27-8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ra công điện số 45/CĐ-TW gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); ban chỉ huy PCTT và TKCN các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông đề nghị chủ động ứng phó lũ lớn có thể xảy ra tại khu vực ĐBSCL.Công điện nêu rõ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên, dự báo trong những ngày tới, lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại các tỉnh ĐBSCL. Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt đề phòng lũ lớn có thể xảy ra, ban chỉ đạo trung ương đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai một số nội dung quan trọng gồm: theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông và chủ đầu tư các công trình trên sông, ven sông, kênh, rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất; cảnh báo và di dời dân tại khu vực bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn; các địa phương sẵn sàng phương án ứng phó với lũ, bao gồm phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu đối với các khu vực ngập sâu, có nguy cơ vỡ đê bao gây ngập trên diện rộng; triển khai phương án đảm bảo an toàn các khu dân cư và sản xuất khi vận hành đập tràn Trà Sư và Tha La…
|
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.