Chủ tịch UBND tỉnh họp chuẩn bị ứng phó với lũ tại các huyện phía Tây
(THTG) Chiều ngày 27/8, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan và lãnh đạo các huyện phía Tây về công tác chuẩn bị ứng phó với mùa lũ năm 2018.
Quang cảnh buổi họp chuẩn bị ứng phó với lũ phía Tây. Ảnh: Minh Trí
Theo nhận định của Đài khí tượng Thuỷ văn, do ảnh hưởng của triều cường rằm tháng 7 âm lịch nên mực nước trên sông Tiền sẽ lên nhanh trong những ngày tới và đạt mức cao nhất từ 1,5 đến 1,6 mét, xấp xỉ báo động III trong ngày 30/8. Đỉnh lũ chính vụ xuất hiện vào nửa đầu tháng 10, với mức xấp xỉ 4,4 đến 4,6 mét và dự kiến mực nước cao nhất mùa lũ năm 2018 tại Mỹ Tho và khu vực Hậu Mỹ Bắc vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11.
Xây dựng kè bê tông, ngăn chặn sạt lở tại Tiền Giang. Ảnh: Đoàn Vũ
Hiện ngành nông nghiệp và lãnh đạo các huyện phía Tây đang chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với lũ để bảo vệ khoảng 41.000 ha lúa hè thu, 77.200 ha cây ăn trái, trong đó có gần 16.200 ha khóm. Ngoài ra có khoảng 7.700 ha lúa thu hoạch sau 30/9, có nhiều vườn cây ăn trái trồng xen canh với lúa trong các ô bao không triệt để ở phía Bắc Quốc lộ 1A,….
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp. Ảnh: Minh Trí
Trước tình trạng nước lũ dự báo sẽ diến biến phức tạp trong những ngày tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu các ngành, các cấp nêu cao tinh thần cảnh giác, có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động triển khai kế hoạch ứng phó, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, tăng cường, chủ động gia cố đê bao, nâng cao cao trình các bờ bao thấp, chuẩn bị sẵn sàng vật tư như: bao cát, máy bơm,… đẩy nhanh tiến độ xử lí sạt lở; rà soát, bổ sung phương án bảo vệ đê điều đối với khu vực trọng yếu, xung yếu; kiểm tra thường xuyên các bờ sông, bờ kênh có nguy cơ sạt lở. Đối với lúa thì đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực thu hoạch nếu như lũ về sớm hơn kế hoạch. Đối với vườn cây ăn trái thì gia cố bờ bao có nguy cơ xảy ra tràn vỡ, thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước để chủ động ứng phó. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, thông tin tình hình, diễn biến nước lũ để nhân dân cảnh giác, chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tài sản của gia đình mình./
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.