An Giang xả 2 đập Trà Sư và Tha La ở vùng lũ đầu nguồn

Sáng 31-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang phối hợp cùng các ngành liên quan, chính thức mở cửa xả lũ 2 đập tràn Trà Sư và Tha La.

Xả lũ 2 đập Trà Sư và Tha La sáng 31-8

Xả lũ 2 đập Trà Sư và Tha La sáng 31-8

Theo ghi nhận, từ sáng sớm đã có nhiều người dân kéo đến xem xả lũ đưa nước vào vùng Tứ giác Long Xuyên; thậm chí còn có nhiều hộ chuẩn bị các phương tiện như chài, lưới… để đánh bắt cá khi xả nước lũ chảy vào đồng.

An Giang xả 2 đập Trà Sư và Tha La ở vùng lũ đầu nguồn ảnh 1
An Giang xả 2 đập Trà Sư và Tha La ở vùng lũ đầu nguồn ảnh 2
Rất đông người dân kéo đến xem xả đập 
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh An Giang cho biết, đây là quy trình vận hành kiểm soát lũ ở vùng Tứ giác Long Xuyên. Quy trình này được sự thống nhất giữa 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, cùng với huyện Takeo (Campuchia); và được thông báo rộng rãi cho người dân được biết để có phương án ứng phó phù hợp và bảo vệ tốt sản xuất nông nghiệp.

Các ngành chức năng ghi nhận, mực nước trên đập đã chạm ngưỡng 4m, cao hơn 2cm so chiều cao đập. Vì vậy, sau khi xả đập thì mực nước các khu vực trên địa bàn tỉnh An Giang sẽ lên từ 3 cm – 3,5 cm, trong khi ở Kiên Giang và Cần Thơ dự kiến nước cao lên khoảng 2cm…

Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, 2 đập Trà Sư và Tha La được xây dựng, đưa vào vận hành từ tháng 5-2000; nhằm điều tiết lũ từ thượng nguồn Campuchia đổ ra biển Tây, ngăn lũ chảy về phía Nam Quốc lộ 91 nhằm bảo vệ diện tích lúa Hè Thu và Thu Đông.

Đồng thời còn nhằm vận hành linh hoạt, đảm bảo tính an toàn,  kiểm soát lũ phù hợp cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Bên cạnh đó, còn góp phần cân bằng hệ sinh thái, giảm sâu bệnh, tháo chua, xả phèn, ô nhiễm môi trường…

An Giang xả 2 đập Trà Sư và Tha La ở vùng lũ đầu nguồn ảnh 3
Nước lũ chảy mạnh vào nội đồng Tứ giác Long Xuyên sau khi xả đập Trà Sư và Tha La

Tại Đồng Tháp, trước tình hình nước lũ đang lên nhanh, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện tăng cường tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những đoạn đê bao, bờ bao, cống bị hư hỏng, nhất là khu vực thượng nguồn.

Chính quyền và ngành nông nghiệp phải chủ động thu hoạch sớm diện tích lúa Hè Thu, đặc biệt đối với khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ; khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu Đông và cây trồng khác.

Bên cạnh đó, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiệt hại và phát huy tối đa lợi thế mùa lũ, nhất là các mô hình nuôi trồng thủy sản.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng lưu ý, tình trạng sạt lở hiện tại của tỉnh cũng rất đáng lo. Toàn tỉnh có khoảng 6.000 hộ sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở do đó cần thường xuyên kiểm tra những khu vực bờ sông, kênh, rạch đang có diễn biến sạt lở, nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, các khu vực xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm dòng dẫn… để cắm biển cảnh báo và di dời dân đến nơi an toàn.
Nguồn SGGP