Siêu bão Mangkhut vào biển Đông, giật trên cấp 17
(THTG) Sáng 15/9, sau khi siêu bão Mangkhut đã đổ bộ vào khu vực phía Bắc đảo Luzon (Philippines), đi vào khu vực Đông Bắc của Biển Đông, với sức gió giật trên cấp 17 .
Dự báo vị trí và hướng di chuyển của siêu bão Mangkhut – Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 770 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (165 km/giờ), giật trên cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 380 km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 190 km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km. Đến 16 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 360 km tính từ vùng tâm bão; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 160 km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, ở Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ảnh mây vệ tinh siêu bão Mangkhut – Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền phía Nam các tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 17/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở 22,7 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách biên giới các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng khoảng 100 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 9.
Từ chiều 16/9, ở vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 7-8, đến đêm tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 4-6m; Biển động rất mạnh.
Trong ngày 17/9, ở Quảng Ninh có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Kạn Hà Giang có gió giật cấp 6-7; các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 18/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 101,5 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Cảnh báo: Từ ngày 17-19/9, hoàn lưu bão gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ từ 200-300mm, vùng núi phía Bắc có nơi trên 300mm; khu vực Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa từ 100-200mm.
Cảnh báo lũ:
Từ ngày 17-19/9, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình, thượng lưu hệ thống sông Mã sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ sông Thao, thượng lưu sông Lô ở mức BĐ2-BĐ3; sông Kỳ Cùng và sông Bằng Giang ở mức BĐ1-BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình, thượng lưu sông Mã ở mức BĐ1.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất:
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình; Ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Hòa Bình.
Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.