Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lan đến Việt Nam
Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư và cũng đối diện không ít thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng
Cạnh tranh gay gắt
Phân tích cụ thể, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ ra các nhóm ngành hàng dệt may, máy móc cơ khí, thép và các sản phẩm cho ngành xây dựng sẽ đối mặt với việc hàng Trung Quốc tràn qua Việt Nam một cách mạnh mẽ.
“Với nguyên liệu đầu vào sản xuất, do áp lực thị trường và việc đồng nhân dân tệ giảm giá nên giá nhập đầu vào sẽ rẻ, Việt Nam có lợi. Hàng tiêu dùng từ Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam gây bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất trong nước” – ông Thắng nhìn nhận.
Sản xuất gỗ là một trong những ngành hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Ảnh: Tấn Thạnh
Công ty CP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng vừa có báo cáo phân tích xung quanh những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đến nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, cuộc chiến này không trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng xuất khẩu nguyên vật liệu, linh kiện từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng nếu xuất khẩu của Trung Quốc yếu đi. Ngoài ra, các DN Việt Nam có thể vấp phải sự cạnh tranh gay gắt hơn nếu hàng hóa Trung Quốc bị bán phá giá tại Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu các DN Mỹ tìm chuỗi cung ứng thay thế và người tiêu dùng Mỹ dùng hàng Việt để thay thế. Quan trọng hơn là dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế.
Dưới góc độ DN, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, nhận định việc Mỹ đánh thuế cả mặt hàng đồ gỗ của Trung Quốc là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam phát triển mạnh. Bởi đồ gỗ Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ cũng đồng nghĩa đồ gỗ Việt Nam có cơ hội chiếm lĩnh thị phần mà Trung Quốc để lại. Các DN Việt có thể tận dụng cơ hội này để tăng công suất khoảng 30%, thậm chí những DN có điều kiện sẽ đầu tư mở rộng sản xuất. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam vốn có vị trí trên thị trường quốc tế chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ thị trường Mỹ.
Dệt may cũng được đánh giá là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thể hưởng lợi từ căng thẳng trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, dù dệt may chưa nằm trong danh sách những mặt hàng bị đánh thuế nhưng nhiều khách hàng lớn ở Mỹ đã rục rịch điều chỉnh giảm tỉ lệ cung ứng từ Trung Quốc và tăng đơn hàng ở Việt Nam. Bằng chứng là nhiều DN dệt may kín đơn hàng cả năm nay và thậm chí, như Garmex Sài Gòn còn có đơn hàng cho cả năm sau.
Thêm áp lực lên tỉ giá
Theo VCSC, đợt thuế mới của Mỹ càng khiến mâu thuẫn giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm trầm trọng, điều này trước tiên có thể ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường ngoại hối và gây áp lực đối với VNĐ. Dù vậy, xuất khẩu và giải ngân FDI tăng mạnh trong năm nay sẽ ít nhiều hỗ trợ tiền đồng. VCSC dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể phải bán thêm dự trữ ngoại hối nếu cần thiết để duy trì tỉ giá trung tâm tăng khoảng 2% so với đầu năm.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, phân tích tỉ giá sẽ chịu tác động đầu tiên từ cuộc chiến thương mại này. Thực tế thời gian qua, Trung Quốc liên tục giảm giá đồng nhân dân tệ để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu, điều này tác động đến tất cả các nước còn lại. Khi hàng Trung Quốc rẻ hơn, DN sẽ có xu hướng lựa chọn sử dụng nguyên liệu của nước này nhiều hơn và nguy cơ làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong khi đó, đồng nhân dân tệ giảm giá còn khiến USD ngày càng đắt đỏ hơn, gây sức ép lên tỉ giá USD/VNĐ. Tỉ giá đã nhích lên đáng kể trong thời gian qua và lãi suất VNĐ cũng tăng. Tăng lãi suất VNĐ khiến người dân hạn chế nắm giữ USD hơn nhưng sẽ tác động tới lãi suất cho vay, làm tăng chi phí vốn của DN và ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm trong nước.
Để ứng phó, ông Trần Toàn Thắng cho rằng trong ngắn hạn, cần tìm mọi cách để có phản ứng tỉ giá phù hợp với diễn biến mới, đặc biệt là chú ý tới dự trữ ngoại hối và thu hút thêm FDI để cải thiện cán cân ngoại hối. Đồng thời, cần phân tích sâu hơn để có các phương án do Mỹ có thể gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Đề phòng gian lận xuất xứ
Trong xu hướng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để né cuộc chiến thương mại, một vấn đề được các DN Việt lo ngại là nguy cơ hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ, “mượn” Việt Nam là nơi để đưa hàng qua Mỹ.
Ông Huỳnh Quang Thanh cho rằng các DN Trung Quốc có thể thuê DN gỗ của Việt Nam thực hiện, gia công để hợp thức hóa nguồn gốc, xuất xứ. Nếu doanh số xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ của Việt Nam tăng đột biến, phía Mỹ có thể áp dụng chính sách thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam, thậm chí họ áp dụng cả cách đánh thuế giống như đã thực hiện với Trung Quốc. Và nguy cơ là Việt Nam mất luôn thị trường đồ gỗ ở Mỹ. Câu chuyện cũng có thể xảy ra tương tự với ngành dệt may.
“Ăn miếng trả miếng”
Ngày 15-6-2018:
Mỹ thông báo đánh thuế lên 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng thông báo biện pháp trả đũa tương tự.
Ngày 6-7-2018:
Mỹ: Mức thuế lên 34 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực (818 dòng sản phẩm, như máy móc, thiết bị cơ khí, điện…).
Trung Quốc lập tức thực thi biện pháp đánh thuế tương tự (xe điện, đậu nành, thịt heo, hải sản…).
Ngày 31-7-2018:
Có thông tin nói Mỹ và Trung Quốc tìm cách tái khởi động đàm phán thương mại.
Ngày 23-8-2018:
Mỹ: Mức thuế đánh vào 16 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (284 dòng sản phẩm) có hiệu lực.
Trung Quốc: Mức thuế đánh vào 16 tỉ USD hàng hóa Mỹ (333 dòng sản phẩm) được thực thi.
Ngày 17-9-2018:
Mỹ thông báo đánh thuế 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc (5.858 dòng sản phẩm, như thủy sản, nông sản, khoáng sản, may, điện tử…) có hiệu lực từ ngày 24-9 và kéo dài đến cuối năm 2018. Mức thuế này sau đó tăng lên 25%.
Ngày 18-9-2018:
Trung Quốc thông báo đánh thuế lên 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ (5.207 dòng sản phẩm, trong đó có cà phê, mật ong, hóa chất công nghiệp…), có hiệu lực cùng lúc với biện pháp thuế quan mới của Mỹ.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.