Mỹ – Trung căng thẳng toàn diện
Quỹ Tiền tệ quốc tế ước tính cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể gây thiệt hại 430 tỉ USD, tương đương 0,5% GDP thế giới
Mỹ đang tăng cường thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông thông qua các hoạt động trên biển và trên không.
Đòn mạnh mới
Mới nhất, Lầu Năm Góc hôm 26-9 cho biết đã điều 4 máy bay B-52 đi qua không phận quốc tế ở biển Đông 2 ngày trước đó. Đến ngày 25-9, một chiếc B-52, cùng với máy bay chiến đấu Nhật Bản đã bay qua biển Hoa Đông trong chiến dịch thường lệ. Theo Reuters, đây là một phần chiến lược của Lầu Năm Góc nhằm tiếp tục sự hiện diện của máy bay ném bom Mỹ tại khu vực trong bối cảnh Washington lâu nay bác bỏ yêu sách chủ quyền đơn phương của Bắc Kinh đối với 90% biển Đông.
Theo thống kê, máy bay ném bom B-52 đã bay qua biển Đông tổng cộng 4 lần hồi tháng 8. Ngoài ra, tàu chiến Mỹ còn áp sát đảo nhân tạo của Trung Quốc để chứng tỏ họ không công nhận những yêu sách chủ quyền vi phạm luật quốc tế.
Dĩ nhiên Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước những chiến dịch như thế. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi tháng 6 lớn tiếng cảnh báo không tàu hoặc máy bay quân sự nước ngoài nào cản trở quyết tâm “bảo vệ chủ quyền” của Bắc Kinh sau khi Washington điều B-52 bay gần các đảo ở biển Đông. Xem ra cảnh báo trên không ngăn quân đội Mỹ tiếp tục hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định ông không lo các chuyến bay nói trên sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Ngoài biển Đông, quan hệ quân sự Mỹ – Trung còn bị giáng thêm đòn mạnh sau khi Washington trừng phạt Bắc Kinh vì mua vũ khí của Nga, dẫn đến phản ứng mạnh và các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố Washington không có quyền can thiệp vào chuyện hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Moscow, cũng như yêu cầu Mỹ dỡ bỏ trừng phạt.
Chưa hết, theo xác nhận của Lầu Năm Góc hôm 25-9, Trung Quốc đã hủy chuyến thăm Washington của Tư lệnh Hải quân, Phó Đô đốc Thẩm Kim Long. Giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc còn từ chối đề nghị cho tàu chiến USS Wasp của Hải quân Mỹ ghé cảng Hồng Kông vào tháng tới.
Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ giám sát hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông trong tháng này Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Kịch bản tồi tệ nhất
Cùng ngày, Bắc Kinh còn đòi Washington hủy kế hoạch bán số thiết bị quân sự trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan được công bố hôm 24-9. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo quan hệ với Mỹ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu thương vụ này được xúc tiến.
Đằng sau những căng thẳng về quân sự là cuộc chiến thương mại đang leo thang. Mỹ vào đầu tuần này thực thi mức thuế mới đánh vào 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, dẫn đến động thái đáp trả tương tự của Bắc Kinh đối với 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Washington.
Giới chức Trung Quốc cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt nạt và khẳng định không thể đàm phán khi bị Washington “kề dao vào cổ”. Washington đang cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp bí mật thương mại, tài sản trí tuệ và buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để được tiếp cận thị trường Trung Quốc. Mỹ gọi đây là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm thách thức sự thống trị của Mỹ về công nghệ.
Căng thẳng chắc chắn sẽ còn gia tăng nếu ông chủ Nhà Trắng hiện thực hóa lời đe dọa đánh thuế lên thêm 267 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu. Khi đó, theo đài CNBC, những sản phẩm công nghệ tiêu dùng chủ chốt chắc chắn phải chịu chung số phận sau khi tạm tránh được sức nóng thời gian qua. Một số chuyên gia nhận định một kịch bản như thế sẽ làm gia tăng đáng kể cú sốc kinh tế lên các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Ngoài ra, sức ép còn đè nặng lên các công ty đa quốc gia đang gia công sản phẩm ở Trung Quốc để xuất khẩu, cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc nhỏ và vừa nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kinh tế thế giới cũng bị vạ lây khi báo cáo mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể gây thiệt hại 430 tỉ USD, tương đương 0,5% GDP thế giới. Trong kịch bản tồi tệ nhất, theo tờ South China Morning Post, thiệt hại từ cuộc chiến này sẽ có quy mô tương đương khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.