Tình trạng vi phạm bản quyền tác giả vẫn chưa được đẩy lùi

       Theo thông tin từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, tình trạng vi phạm bản quyền tuy đã có phần thuyên giảm, nhưng hiện vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực.


Biểu diễn ca nhạc là một trong những lĩnh vực “nóng” về bản quyền tác giả
(Ảnh minh họa: Thế Dương)

15 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành 3 Luật, 4 Nghị định, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Thông tư về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Các văn bản pháp luật được cơ quan có thẩm quyền ban hành đang được thực thi trong đời sống, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần tăng cường quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong tình hình mới; xây dựng cơ chế, chế tài xử phạt đủ mạnh, có tác dụng ngăn chặn và răn đe các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

10 năm trở lại đây, Việt Nam cũng đã tham gia vào 5 Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như cam kết thực hiện các điều khoản có nội dung bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong một loạt các Hiệp định kinh tế và thương mại song phương và đa phương, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế của đất nước.

Đặc biệt, Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực thi hành được hơn 6 năm, đang từng bước phát huy hiệu lực trong cuộc sống. Các hoạt động thực thi, tự bảo vệ quyền đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã được tăng cường, nhiều vụ việc đã được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, xuất bản, bản ghi âm ghi hình, chương trình máy tính.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn phổ biến, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình trạng vi phạm bản quyền tác giả ở Việt Nam kéo dài là do nhận thức, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật không nghiêm; nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước chưa gương mẫu thi hành, nhiều cơ sở kinh doanh vì động cơ vụ lợi đã bất chấp pháp luật. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra tuy có tăng cường nhưng chưa đủ sức ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật đã triển khai nhiều hoạt động, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phổ cập Luật Sở hữu trí tuệ trong các đối tượng, đặc biệt là trong cộng đồng.

Vì vậy, để làm tốt công tác bảo vệ bản quyền tác giả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Vũ Ngọc Hoan, cần có các giải pháp nhằm tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan về quyền tác giả và quyền liên quan; Thực hiện các cam kết quốc tế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có thực thi bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trên phạm vi cả nước, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong điều kiện nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước…