Chuẩn bị lực lượng vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8
Trung tâm của Liên khu Hà-Nam-Ninh là thành phố Nam Định. Tại đây, thực dân Pháp xây dựng hệ thống nhà máy lớn, đặc biệt là liên hợp nhà máy dệt, sợi, vải… lớn nhất nước ta đầu thế kỷ XX, tập trung hàng vạn công nhân. Thực dân Pháp bố trí ở đây nhiều trại lính để bảo vệ các mục tiêu trong thành phố, như nhà máy dệt, nhuộm, nhà ga tàu hỏa, bến bãi… Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp, lập và đồn trú ở đây nhiều trại bảo an binh.
Thực hiện sự chỉ đạo của trên, tháng 5-1945, tại khu căn cứ địa Quỳnh Lưu (Nho Quan, Ninh Bình), Liên khu ủy Hà-Nam-Ninh thành lập Ủy ban hành chính nhân dân lâm thời, lập chiến khu Quang Trung, tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang chống Nhật, chuẩn bị tổng khởi nghĩa khi có thời cơ. Tháng 6-1945, ta thành lập Trung đội giải phóng quân Ninh Bình làm nòng cốt để vận động, xây dựng lực lượng vũ trang tại chiến khu. Chỉ trong thời gian ngắn, tại Liên khu Hà-Nam-Ninh, ta đã xây dựng lực lượng tự vệ xung phong, đội vũ trang tuyên truyền và các tổ chức thanh niên cứu quốc. Tại Nam Định, công nhân Nhà máy Sợi và các thanh niên, học sinh yêu nước tập hợp, xây dựng Đội vũ trang tuyên truyền ở Chiến khu Lạc Quần (Xuân Trường). Lực lượng tham gia Việt Minh còn bắt mối với những người lính khố xanh yêu nước trong Trại Bảo an binh của Nhật, xây dựng cơ sở cách mạng, làm nòng cốt khi có thời cơ nổi dậy giành chính quyền.
Lực lượng vũ trang chuẩn bị cho ngày Tuyên bố Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 2-9-1945 . Ảnh tư liệu |
Khi quân Nhật đầu hàng đồng minh, trước thời cơ lớn, Liên khu ủy Hà-Nam-Ninh phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 5 ngày (từ 19-8 đến 25-8-1945), dưới sự bảo vệ của tự vệ, các đội vũ trang, quần chúng nhân dân tại các địa phương ba tỉnh Hà-Nam-Ninh đứng dậy tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Riêng ở Nam Định, ta chủ trương tiến hành từng bước chắc chắn. Ban đầu, ta tổ chức biểu tình yêu cầu Sở Hiến binh Nhật thả ngay tù chính trị. Sau đó, lực lượng cách mạng khéo léo vận động, tiếp quản các Trại Bảo an binh; chiếm dinh Tỉnh trưởng, Sở Liêm phóng, Nhà máy Dệt và các cơ sở khác ở thành phố Nam Định…
Để bảo vệ chính quyền cách mạng, các Tỉnh ủy khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương. Tại Ninh Bình, Trung đội Giải phóng quân của Chiến khu Quỳnh Lưu phát triển thành một chi đội với 6 đại đội, do đồng chí Ủy viên Quân sự trong Ủy ban hành chính nhân dân tỉnh chỉ huy. Thị xã Ninh Bình có đội tự vệ Hoa Lư, các huyện đều thành lập trung đội tự vệ xung phong. Tỉnh Hà Nam cũng thành lập một chi đội Giải phóng quân với khoảng 1.200 cán bộ, chiến sĩ; các huyện thành lập một trung đội cảm tử quân. Tại Nam Định, thành lập hai tiểu đoàn Giải phóng quân ở Chiến khu Lạc Quần; xây dựng các đại đội quyết tử, trung đội tự vệ, trung đội nữ chiến sĩ làm nhiệm vụ cấp dưỡng, cứu thương, văn phòng. Tiểu đoàn tự vệ Nhà máy Sợi Nam Định sát nhập với các đơn vị lực lượng vũ trang, tự vệ thành lập Chi đội 19 Vệ quốc đoàn. Các đơn vị vũ trang, tự vệ, chi đội Vệ quốc đoàn ở ba tỉnh Hà-Nam-Ninh không chỉ làm nòng cốt bảo vệ chính quyền, mà còn được huấn luyện, làm nòng cốt phong trào Nam tiến, Tây tiến của địa phương.
Với phương châm ở đâu có tổ chức Đảng, ở đó có lực lượng vũ trang, tự vệ, Liên khu ủy và Tỉnh ủy các tỉnh Hà-Nam-Ninh đã vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng; kịp thời xây dựng, thành lập lực lượng vũ trang, tự vệ, bảo đảm cho chuẩn bị và tổng khởi nghĩa thành công, góp phần làm phong phú nghệ thuật sử dụng lực lượng vũ trang tiến hành khởi nghĩa từng phần, đến tổng khởi nghĩa, làm nên thắng lợi trọn vẹn, giành chính quyền về tay nhân dân.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.