Tiền Giang triển khai sản xuất lúa ứng dụng công nghệ 4.0 từ vụ thu đông 2018
(THTG) Bắt đầu từ vụ lúa thu đông 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang chính thức triển khai dự án sản xuất lúa công nghệ cao, hay còn gọi là sản xuất lúa công nghệ 4.0 tại 4 huyện chuyên canh tác lúa trọng điểm của tỉnh gồm: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Gò Công Đông.
Đại diện Sở NN & PTNT cùng nông dân thăm cánh đồng lúa 16 hecta lúa ứng dụng công nghệ 4.0. Ảnh: Bá Thủy
Tham gia dự án, có khoảng 60 nông dân của 13 xã gồm: Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè; xã Thạnh Lộc, Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy; xã Vĩnh Hựu, Long Vĩnh, Long Bình, Bình Tân, huyện Gò Công Tây; xã Phước Trung, Bình Nghị, Tăng Hoà, huyện Gò Công Đông. Sản xuất lúa công nghệ 4.0, nông dân được hỗ trợ máy móc, thiết bị công nghệ cao phục vụ cơ giới hoá như: máy cấy 3 trong 1, máy gieo sạ kết hợp với vùi phân, được hỗ trợ 100 lúa giống, 40% chi phí vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, dự án còn đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng tốt nhất cho sản xuất lúa, đồng thời tăng cường phát triển hệ thống công nghệ thông tin; tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia và các chính sách hỗ trợ nông dân…
Sử dụng máy cấy lúa 3 trong 1, một giai đoạn được cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Ảnh: Bá Thủy
Để thực hiện thành công dự án, Sở NN&PTNT Tiền Giang đã triển khai sản xuất trình diễn 16 hecta lúa ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Gò Công Đông. Hiện trà lúa trong mô hình trình diễn được khoảng 30 ngày tuổi, đang phát triển tốt, làm tiền đề thuận lợi để trong năm 2019 sẽ nhân rộng lên 780 hecta, năm 2020 nhân rộng lên 2.300 hecta và đến năm 2025 nhân rộng lên 12.240 hecta. Việc triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất lúa, tỉnh Tiền Giang hướng đến mục tiêu tăng lợi nhuận cao hơn so với sản xuất lúa truyền thống, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kim Nữ
Có 1 bình luận
Tôi rất hài lòng Dự án sản xuất lúa ứng dụng công nghệ 4.0, đây là mô hình hay giảm bớt được lao động chân tay, chi phí sản xuất/đơn vị diện tích giảm hơn so với sản xuất theo kiểu truyền thống.
Tôi có kiến nghị như sau: Tiền Giang mình nên làm điểm trình diễn sản xuất lúa hữu cơ, đây là mô hình sản xuất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.