Hạn chót tới gần, những lá chắn sống sẽ được dựng lên ở Idlib (Syria)?
Trước thời hạn chót 15/10, các tay súng phiến quân ở Idlib vẫn chưa rút khỏi khu vực này khiến cho tình hình chiến sự ở Syria “nóng” lên nhanh chóng.
Idlib “nóng” lên khi hạn chót cận kề
Quân đội Syria hôm 12/10 đã phát đi cảnh báo tới cư dân đang sinh sống ở tỉnh Idlib (khu vực có khoảng 3 triệu dân) tránh xa những tay súng thánh chiến – những người vẫn cố thủ, chưa rút khỏi vùng đệm trước thời hạn chót.
Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/9 đã đạt được thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự ở Tây Bắc Idlib, trên khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn những gì mà nhiều người cảnh báo về một thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria.
Theo thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khu phi quân sự ở tỉnh Idlib của Syria rộng khoảng 15-20km dọc theo đường ranh giới hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng đối lập. Các nhóm nổi dậy cực đoan đều sẽ phải rút khỏi khu phi quân sự trước ngày 15/10. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu những tay súng cực đoan đang cố thủ ở Idlib sẽ rời đi.
Phóng viên của AFP cho biết, cư dân ở Idlib đã nhận được tin nhắn SMS của quân đội Syria gửi tới điện thoại di động họ vào sớm này 12/10 với nội dung: “Hãy tránh xa những chiến binh. Chúng đã bị bao vây và số phận sẽ sớm được định đoạt. Đừng để bọn khủng bố biến các bạn thành lá chắn sống”.
Hiện lực lượng phiến quân chính đang kiểm soát hơn 2/3 diện tính của tỉnh Idlib là một liên minh của nhóm do các tay súng từng đứng trong hàng ngũ Al-Qaeda cầm đầu với các phe phái thánh chiến khác. Liên minh này được biết đến với tên gọi Hayat Tahrir al-Sham (HTS).
Bạo lực kích hoạt làn sóng chạy khỏi Idlib
Dù thời hạt chót 15/10 đã cận kề nhưng HTS vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào đối với thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và liên minh này cũng chưa rút bất kỳ chiến binh nào khỏi vùng đệm.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) trong một thông báo đưa ra hôm 12/10 cho biết: “Lực lượng thánh chiến không hề rút khỏi khu vực phi quân sự, tất cả những tay súng thánh chiến lẫn vũ khí của chúng vẫn tiếp tục được duy trì ở Idlib”.
Hiện vẫn chưa rõ điều gì sẽ xảy ra nếu thời hạn chót ngày 15/10 bị bỏ qua.
Mới đây, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có hành động để “ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Idlib”. Trong khi đó, các nhóm viện trợ quốc tế đang hoạt động tại đây đã đưa ra cảnh báo việc không tuân thủ thỏa thuận có thể kích hoạt tình trạng bạo lực trong vài ngày tới và làn sóng người dân chạy khỏi Idlib để thoát thân.
“Ngay cả một cuộc tấn công quân sự hạn chế cũng sẽ làm hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa”, Ủy ban cứu trợ quốc tế (IRC) trong một tuyên bố nhấn mạnh.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, gần một nửa dân cư của Idlib đã phải chạy trốn khỏi Idlib kể từ khi xung đột nổ ra ở quốc gia Trung Đông này. Những người còn bám trụ ở lại chủ yếu sống phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo.
Chiến tranh khó tránh khỏi?
Nguy cơ về một cuộc chiến khốc liệt ở Idlib là hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh quân đội Syria không muốn bỏ qua lợi thế trên chiến trường hiện nay khi lực lượng nổi dậy đã bị dồn vào thế chân tường [Idlib là thành trì lớn cuối cùng hiện nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân – ND].
Trên thực tế, dù thừa nhận mặt tích cực của thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Tổng thống Syria Bashar Al-Assad cũng không quên cảnh báo đây chỉ là một “biện pháp tạm thời”.
Cơ quan thông tấn Nhà nước Syria (SANA) dẫn lời ông Assad nói trong một cuộc họp ủy ban trung ương đảng al-Baath cầm quyền hôm 7/10 cho biết: “Thỏa thuận khu phi quân sự tại Idlib đạt được gần đây chỉ là một biện pháp tạm thời, và thông qua đó, Chính phủ Syria đã đạt được những thành quả, chủ yếu là ngăn chặn đổ máu”.
“Idlib và các phần lãnh thổ Syria khác vẫn đang bị khủng bố chiếm đóng nhưng sẽ trở về dưới sự kiểm soát của Chính phủ Syria”, ông Assad nhấn mạnh.
Tuyên bố của ông Assad sau đó được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov củng cố thêm trong cuộc phỏng vấn với RT của Pháp, Paris Match và Le figaro hôm 12/10. Theo đó, ông Lavrov nhấn mạnh, khu phi quân sự chỉ được thiết lập tạm thời và câu chuyện chỉ kết thúc khi người Syria giành lại quyền kiểm soát đất nước và tất cả những người đang ở Syria, đặc biệt, những đối tượng “không mời mà đến” phải rời khỏi quốc gia này.
Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria từ tháng 9/2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Kể từ khi có sự hậu thuẫn vững chắc của Moscow, chính quyền Damascus đã lật ngược thế cờ, liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường.
Đương nhiên, khi đã ở “ngưỡng cửa thiên đường”, việc quân đội Syria tỏ ra sốt sắng “dứt điểm” thành trì lớn cuối cùng của phiến quân ở Idlib là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với Nga, họ cần cân bằng những lợi ích với các bên liên quan, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, điều này buộc Moscow phải tính toán kỹ trước khi ra quyết định.
Một khi thời hạn chót bị bỏ lỡ, người ta sẽ nghĩ ngay đến kịch bản Nga để cho lực lượng của ông Assad động binh. Tuy nhiên, bài toán Idlib có thể không đơn giản như vậy và câu trả lời sẽ chỉ có sau ngày 15/10 tới đây./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.