Hội nghị đánh giá năng lực công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản
(THTG) Chiều 19/10, tại Tiền Giang, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam và ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì hội nghị đánh giá năng lực và thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp phía Nam.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Long
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam – Bộ NN&PTNT khẳng định: 20 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp và ổn định kinh tế xã hội của đất nước. Cả nước hiện có 7.000 doanh nghiệp chế biến nông sản được đầu tư công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, thu hút khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp và hàng chục triệu lao động gián tiếp. Mục tiêu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phải đạt trình độ công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên, trong đó một số ngành hàng mũi nhọn đạt hàng đầu khu vực và thế giới, sản phẩm đạt yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực sản xuất nguyên liệu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng cho biết, so với cả nước, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam cao hơn và hiện đang tăng nhanh, đã hạn chế được tình trạng lao động nặng nhọc, thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức dịch vụ nông thôn, người nông dân mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã kéo giảm giá thành sản phẩm,… Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT khuyến khích các tỉnh đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp phù hợp với từng vùng, từng đối tượng sản xuất để chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tập trung và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Long
Riêng tỉnh Tiền Giang, hiện đang tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chế biến nông lâm thủy sản như: phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến; chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xử lý sau thu hoạch; đẩy mạnh thực hiện chương trình cải cách hành chính,… Dịp này, tỉnh Tiền Giang kêu gọi đối tác, nhà đầu tư có năng lực tham gia chế biến các loại nông sản tiềm năng của tỉnh như: trái cây, lúa gạo, thủy sản, gia súc, gia cầm,…
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.