Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20.000 người chết vì ung thư phổi
Nhiều năm nay, ung thư phổi vẫn đứng hàng đầu về số người mắc trong các loại bệnh ung thư ở Việt Nam với trên 23.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng lưu ý, để phát hiện sớm ung thư phổi là rất khó khăn kể cả với các phương pháp sàng lọc hiện đại hiện nay.
Xạ trị cho bệnh nhân ung thư phổi tại Bệnh viện K
Ngày 7-11, tại Hà Nội Bệnh viện K đã khai mạc Hội thảo Ung thư Việt – Pháp lần thứ 2 với chuyên đề “Ung thư Phổi”.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nêu rõ, ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt với các nước nghèo, các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước và đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Năm 2018 cả nước ghi nhận 164.671 ca mới mắc ung thư, 114.871 trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Phần lớn người bị bệnh ung thư ở Việt Nam đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn nên việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, đây là diễn đàn quan trọng để các đồng nghiệp trong nước cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ung thư của Pháp bàn luận, trao đổi để có được một bức tranh đầy đủ hơn về công tác kiểm soát ung thư phổi.
Đề cập sâu hơn về căn bệnh ung thư phổi, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia cho biết, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới ở cả hai giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 2,09 triệu ca mới mắc và 1,76 triệu người tử vong do ung thư phổi. Đáng lưu ý, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 23.667 ca mới mắc và 20.170 ca tử vong do căn bệnh này.
Nhiều năm nay, ung thư phổi vẫn đứng hàng đầu về số người mắc trong các loại bệnh ung thư ở nước ta. Trong khi đó, để phát hiện sớm ung thư phổi là rất khó khăn, từ các phương pháp cũ như chụp Xquang, xét nghiệm đờm, cho đến phương pháp mới nhất hiện nay là sàng lọc bằng chụp CT liều thấp nhưng hiệu quả đều không thực sự rõ ràng. Hơn nữa, bệnh ung thư phổi thường không có triệu chứng sớm điển hình, dễ nhầm lẫn với triệu chứng của các bệnh lý khác. Do đó, vấn đề nâng cao kiến thức về dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi là vấn đề hết sức quan trọng, cần nhận được nhiều sự quan tâm của ngành Y tế nói riêng và xã hội nói chung.
Về hiệu quả các biện pháp điều trị ung thư phổi tại Việt Nam, nhiều chuyên gia ung bướu cho biết, các liệu pháp mới trong điều trị nội khoa, cho tới việc áp dụng liệu pháp điều trị trúng đích trong điều trị ung thư phổi đã mang lại những kết quả khả quan. Đặc biệt, gần đây nhất liệu pháp điều trị miễn dịch được một số bệnh viện áp dụng, đây là một tiến bộ lớn của y học giúp kéo dài thêm cuộc sống cho những bệnh nhân mắc ung thư phổi ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên thực tế việc điều trị ung thư phổi vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ bệnh nhân kéo dài được cuộc sống sau 5-6 năm rất ít.
Độ tuổi mắc ung thư phổi ở Việt Nam có trẻ hóa nhưng chưa nhiều. Đối tượng mắc ung thư phổi vẫn chủ yếu ở lứa tuổi trên 50, đặc biệt là người có tiền sử hút thuốc lá hoặc thường xuyên hút thuốc lá thụ động. Do đó, những người từ 50 tuổi trở lên, những người có nguy cơ cao như thường xuyên hút thuốc lá, hay hít phải khói thuốc thụ động… thì nên chủ động đi tầm soát ung thư khoảng 6 tháng – 1 năm/lần.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.