Bánh tráng truyền thống Gò Công

Ngày xưa, cứ đến khoảng rằm tháng chạp trở đi rất nhiều gia đình ở làng quê Gò Công thường làm bánh tráng để ba ngày Tết cúng tổ tiên hoặc làm quà Tết. Ngày nay, số hộ làm bánh tráng ngày Tết ngày càng ít đi, có chăng là những hộ có đông người hoặc bà con trong xóm hùn nhau cùng làm cho vui, còn phần đông các gia đình thường chọn mua bánh ngoài chợ, ít hộ tự làm như trước và có những hộ chuyên làm bánh tráng để bán khi xuân về Tết đến.

Cứ vào khoảng 20 tháng 11 âm lịch, nhiều hộ dân ở ấp Bà Lãnh, xã Tân Đông bước vào vụ làm bánh tráng bán Tết. Đây là nơi tập trung nhiều hộ làm bánh tráng bán Tết nhất huyện. Năm nay do giá nguyên liệu tăng cao, sợ không có lời, nên chỉ còn hơn 10 hộ làm, đa phần trong số họ có nghề truyền thống lâu đời do ông bà truyền lại. Cũng với các loại bánh truyền thống là bánh phồng, bánh tráng nếp, bánh tráng mì, theo nhu cầu của khách hàng, ngày nay bánh tráng vùng quê Gò Công còn cho thêm nước cốt dừa, hay sữa, một ít va-ni… để tăng thêm hương vị. Để bánh được ngon, phải chọn gạo nếp thơm ngon đảm bảo tỷ lệ hạt lẫn thấp, bột nếp làm bánh mới đạt yêu cầu. Ngày nay, người làm bánh còn được sự trợ giúp của máy xay, nhưng cơ bản cũng với cách làm của ông bà truyền lại, bánh tráng thì ngâm nếp, xay bột, bồng bột, hấp rồi quết, còn bánh phồng thì phải nấu xôi, quết xôi cho mịn, cho dẻo mới làm…

Gia đình anh Phạm Văn Đồng và chị Trần Thị Rồi được xem là làm nghề này lâu đời nhất nơi đây, được lưu truyền từ đời bà nội anh cho đến bây giờ. Anh có 6 anh chị em thì có đến 4 người vẫn tiếp nối nghề này vào mỗi khi Tết đến, duy có anh là làm nhiều nhất, mỗi ngày anh làm khoảng 150 kg củ mì, 100 kg gạo nếp, lượng bánh tiêu thụ mỗi ngày hơn 4 thiên. Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ là anh phải thuê thêm 12 người cùng làm mới xuể. Bánh làm ngày trước, ngày hôm sau bạn hàng đến đếm lấy đi tiêu thụ rất nhiều nơi trong ngoài huyện, anh còn có nhiều bạn hàng đến đặt bánh mang đi Đồng Hòa, Lý Nhơn, Bà Rịa- Vũng Tàu… để bán.

Anh Đồng cho biết, anh biết bắt bột, cán bánh từ hồi hơn 10 tuổi, nó không đơn thuần chỉ là một nghề kiếm thêm thu nhập cho gia đình anh và anh chị em nhân công cùng làm vào dịp Tết mà còn là một nghề truyền thống của ông bà để lại.

Đến ấp Bà Lãnh, xã Tân Đông vào những ngày giáp Tết, không khí càng nhộn nhịp hơn bởi sự tất bật, rộn ràng của các gia đình làm bánh bán Tết. Có hộ làm ít như gia đình chị Lê Kim Yến mỗi ngày 20 lít nếp ra được 400 bánh, bạn hàng cũng đến tận nhà mua, từ tiền lời làm bánh, chị Yến trang trải chi phí gia đình trong 3 ngày Tết.

Làm ra chiếc bánh tráng phải qua rất nhiều công đoạn, nhưng công đoạn bắt bột, cán bánh cho tròn là công đoạn rất khó, nếu không bánh sẽ không đều, cái to, cái nhỏ hoặc chỗ mỏng, chỗ dày, không đẹp, nướng lên chỗ mỏng thì dễ bị khét, bánh không ngon. Vì vậy, người thợ làm bánh cũng phải có đôi tay khéo léo, điêu luyện. Tuy chỉ làm vào dịp Tết, nhưng nghề làm bánh tráng ở ấp Bà Lãnh cũng đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gần 100 người - đa phần là phụ nữ. Hộ làm ít cũng cần đến 2 người làm, hộ làm nhiều phải thuê hơn 10 người.

Ở đây có nhiều người thợ chuyên làm bánh lâu năm như bà Võ Thị Mươi - 58 tuổi, làm bánh từ hồi 15 tuổi, năm nào cũng vậy cứ đến tháng 11 là bà đi làm bánh thuê, tiền công mỗi ngày 70.000đ, cơm nước sáng, trưa chủ nhà lo, làm thuê vụ bánh Tết bà kiếm được gần 2 triệu đồng.

Tuy không nổi danh, chỉ tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, thế nhưng chiếc bánh tráng truyền thống của vùng quê Gò Công vẫn không hề bị lãng quên, nó có hương vị đặc trưng riêng. Bà Hà Thị Nho, người có thâm niên hơn 40 năm làm bánh cho biết, nghề này được truyền từ mẹ bà năm nào bà cũng làm với số lượng nhiều, bánh vẫn bán rất đắt hàng.

Ở thôn quê, ba ngày Tết bên mâm cơm ngon cúng tổ tiên, hầu như nhà nhà đều có thêm vài ba cái bánh tráng được nướng trên bếp than hồng bánh thơm phưng phức, làm cho hương vị Tết thêm đậm đà. Là món ăn bình dân của làng quê Việt Nam, không sang cả, chỉ với 17 ngàn đồng là mua được một chục bánh để “trước cúng, sau ăn” hoặc làm quà tặng cho bà con, anh em, bạn bè. Nhiều năm nay, bánh tráng còn được bà con Việt kiều quê ở Gò Công đặt mua mang sang tận Mỹ, Úc,… để làm quà tặng bà con bên ấy, làm cho những người con xa quê càng thêm nhớ, thêm thương về quê cha đất tổ, nhớ về một thời ấu thơ bên ông bà, cha mẹ, anh chị em cả nhà đoàn tụ quay quần, ấm áp vui vẻ đón xuân, vui Tết.