Business Insider đưa tin, 3 Thượng nghị sĩ gồm: Richard Blumenthal, Sheldon Whitehouse và Mazie Hirono ngày 19-11 (giờ địa phương) đã gửi đơn kiện lên tòa án liên bang ở Washington DC. Họ cho rằng việc ông Trump tự ý bổ nhiệm ông Whitaker lên nắm quyền thay cho cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions mà chưa thông qua sự bàn bạc và tư vấn từ Thượng viện là sai với Hiến pháp.
“Hiến pháp quy định rằng những quan chức liên bang chủ chốt chỉ được nhậm chức khi đã có tư vấn và đồng thuận từ Thượng viện. Điều khoản này đã có từ khi thành lập Hiến pháp tới nay và là một cơ chế quan trọng để kiểm soát quyền lực của tổng thống”, các nghị sĩ viết.
Cũng theo các thượng nghị sĩ này, Thượng viện Mỹ thậm chí còn chưa chấp nhận để ông Whitaker phục vụ tại bất kỳ văn phòng chính quyền liên bang nào. Nhóm nghị sĩ lập luận theo Hiến pháp, việc chỉ định các quan chức cấp liên bang phải được thực hiện dưới sự tư vấn và chấp thuận của Thượng viện và đây là một công cụ giám sát quan trọng đối với quyền lực của một tổng thống Mỹ.
“Thượng viện Mỹ chưa đồng thuận việc ông Whitaker sẽ trở thành người tạm đứng đầu một cơ quan trong chính phủ liên bang. Nếu cho phép điều này xảy ra, việc bổ nhiệm ông Whitaker sẽ tạo ra tiền lệ cho việc làm xói mòn vai trò tư vấn và phê duyệt của Thượng viện đã được mô tả trong Hiến pháp”, theo hồ sơ vụ kiện.
Tổng thống Donald Trump (trái) và cựu Bộ trưởng bộ Tư pháp Jeff Sessions (phải). Ảnh: Reuters
Trước đó, ngày 7-11, Tổng thống Trump đã chỉ định cựu công tố viên Whitaker làm quyền Bộ trưởng Tư pháp thay thế cựu Bộ trưởng Jeff Sessions mới bị cách chức trước đó. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng ông Whitaker được lựa chọn để bảo vệ Tổng thống Trump trước cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, cuộc điều tra mà ông luôn cho là vô nghĩa trong khi Moskva luôn khẳng định không liên quan.
Theo thông lệ, sau khi ông Sessions bị cách chức, Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein sẽ là người được lựa chọn vào vị trí quyền Bộ trưởng. Trong khi đó, ông Rosenstein cũng đang là người chịu trách nhiệm giám sát vụ điều tra trên. Vì vậy, ông Whitaker được chỉ định lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ là người giám sát cuộc điều tra các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống.
Ông Whitaker là người đã chỉ trích cuộc điều tra được tiến hành dưới thời người tiền nhiệm này là “quá rộng”, khiến các nhà lập pháp của đảng Dân chủ lo ngại rằng việc sa thải Bộ trưởng Sessions và nhanh chóng bổ nhiệm người thay thế có thể là “điềm báo” cho việc Tổng thống Trump sẽ sớm chấm dứt cuộc điều tra này.
Trước làn sóng chỉ trích, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định quyết định của Tổng thống Trump là hợp pháp. Ngày 19-11, người phát ngôn Bộ Tư pháp Kerri Kupec cho rằng quyết định của tổng thống dựa trên tiền lệ và thông lệ từ nhiều thế kỷ qua và phù hợp với hành động của các tổng thống Mỹ, không phân biệt là tổng thống của đảng Dân chủ hay Cộng hòa.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Fox New hôm 18-11, Tổng thống Trump khẳng định ông Whitaker là một người thông minh, đáng tôn trọng và sẽ làm những việc đúng đắn.
Đây là vụ kiện thứ 3 trong tuần qua nhằm phản đối quyết định đưa ông Whitaker lên lãnh đạo Bộ Tư pháp. Trước đó, có một đơn kiện được đệ trình lên Tòa án Tối cao và một đơn kiện của bang Maryland (Me-ri-len) gửi lên một tòa án liên bang cũng xoay quanh vấn đề này.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.