Tiền Giang chủ động ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi

(THTG) Đến thời điểm hiện nay, trên đàn heo tỉnh Tiền Giang nói riêng và của cả nước nói chung vẫn chưa xuất hiện bệnh dịch tả heo Châu Phi, song ở những tháng cuối năm, nhu cầu vận chuyển, nhập khẩu sản phẩm thịt heo tăng cao là điều kiện thuận lợi để bệnh này xâm nhiễm. Chính vì vậy, tỉnh Tiền Giang đang chủ động thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho đợt cao điểm trước, trong và sau tết nguyên đán 2019.

vlcsnap-2018-12-04-10h43m48s976

vlcsnap-2018-12-04-10h28m46s245

Người chăn nuôi chăm sóc đàn heo tại huyện Cái Bè. Ảnh: Bùi Phong

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo Châu phi ở Trung Quốc và thực hiện công điện số 1194 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành công văn số 4806 yêu cầu các sở, ngành tỉnh và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch tả heo Châu Phi xâm nhiễm, đặc biệt tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập heo giống, giết mổ và vận chuyển heo, sản phẩm thịt heo, ngăn chặn triệt để hành vi nhập lậu động vật và sản phẩm động vật. Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm các loại heo, sản phẩm thịt heo tươi hoặc đã qua chế biến vận chuyển qua địa bàn tỉnh.

Tại huyện Cái Bè, mặc dù tổng đàn heo chỉ khoảng 100.000 con, thế nhưng do địa bàn rộng, lại giáp ranh với các tỉnh bạn, nên nguy cơ bệnh dịch tả heo Châu phi lây nhiễm rất cao. Hiện ngành chăn nuôi và thú y huyện tăng cường tuyên truyền người chăn nuôi nâng cao cảnh giác với dịch bệnh nguy hiểm trên heo này, nhất là cán bộ thú y phải nắm chắc số lượng gia súc của từng hộ chăn nuôi để dễ dàng kiểm tra, kiểm soát việc tái đàn cũng như số lượng heo xuất chuồng và giết mổ.

Do bệnh dịch tả heo Châu Phi đến thời điểm này vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa, cho nên ngành thú y khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vắc-xin các bệnh nguy hiểm khác trên heo như: heo tai xanh, lở mồm long móng, dịch tả cổ điển,… để vật nuôi tăng khả năng đề kháng với dịch bệnh. Ngoài ra, cần thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi, tích cực áp dụng các quy định về chăn nuôi sinh học trong bối cảnh bệnh dịch tả heo Châu phi đang hoành hành dữ dội trên đàn heo Trung Quốc nhiều tháng qua.

Tỉnh Tiền Giang hiện là địa phương có đàn heo nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng đàn khoảng 600.000 con, tăng gần 150.000 con so với cùng kỳ năm 2017. Hiện tỉnh đang kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn heo, nhất là bệnh dịch tả heo Châu Phi chưa xâm nhiễm, đồng thời giám sát chặt chẽ việc người chăn nuôi tập trung tái đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của thị trường trong các dịp lễ, tết 2019. 

Kim Nữ