LTS: Năm 2018 kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương hình thành, phát triển và trải qua bao thăng trầm của một lĩnh vực nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ. Cải lương hiện nay không chỉ là “đặc sản nghệ thuật” của Nam bộ mà còn là di sản văn hóa của cả nước. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương đến nay vẫn chưa đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và giáo dục. Thực trạng của cải lương khiến nhiều người suy tư, trăn trở…
Thời hoàng kim, cải lương đi vào đời sống người dân bằng sức sống mạnh mẽ, lan tỏa rộng khắp làng xóm, phố phường, làm sinh động không gian sinh hoạt văn hóa nghệ thuật từ thành thị đến nông thôn. Từ sân khấu cải lương đã tạo nên những lớp nghệ sĩ tài danh mà tên tuổi sống mãi với thời gian.
Khán giả rồng rắn xếp hàng chờ mua vé
Có câu hỏi đặt ra: “Đâu là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương Nam bộ?”. Với nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, giai đoạn đó là từ năm 1955 – 1975. Theo NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc: “Đó là giai đoạn cải lương đạt được mọi tiêu chí của nghệ thuật trình diễn như: kịch bản có nội dung tốt, được viết bởi những tác giả giỏi; diễn viên hát hay do được ban nhạc tài hoa hỗ trợ và khán giả say mê, ủng hộ nghệ sĩ hết mình”.
Còn theo nghiên cứu của TS Mai Mỹ Duyên, giai đoạn này vừa giữ được đội ngũ sáng tạo “đàn anh” đang vào độ chín muồi như nghệ sĩ Năm Châu, Mộng Vân, Tư Chơi… vừa xuất hiện thêm một lực lượng đông đảo soạn giả trẻ tuổi, nhiệt huyết và dồi dào bút lực như: Viễn Châu, Kiên Giang, Hà Triều – Hoa Phượng… “Nếu như giai đoạn trước đó, các soạn giả tập trung khai thác chất liệu văn học Việt Nam, Trung Hoa và Pháp vào tác phẩm của mình, thì đến giai đoạn này, nội dung đã mở rộng đến mức không ngờ, đẩy nghệ thuật văn chương của cải lương lên đỉnh cao của sự sáng tạo, hình thành nhiều thể tài của sân khấu cải lương như: hương xa, kiếm hiệp, dã sử, tâm lý xã hội…”, TS Mai Mỹ Duyên cho biết.
Ở thập niên 1960, tại miền Nam, cải lương hưng thịnh lấn át cả tân nhạc. Lúc bấy giờ, Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định có đến hơn 39 rạp hát cải lương và hầu hết các sân khấu đều sáng đèn mỗi ngày để phục vụ nhu cầu giải trí của rất đông khán giả. Cũng nhờ vậy mà đời sống của các soạn giả và nghệ sĩ khá sung túc. Những soạn giả tuồng nổi tiếng như: Năm Châu, Hà Triều – Hoa Phượng, Bảy Cao, Thiếu Linh, Thu An, Viễn Châu, Loan Thảo, Quy Sắc, Yên Lang, Trần Hữu Trang, Kiên Giang, Thế Châu, Thạch Tuyền… đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm kinh điển, đậm chất văn học nghệ thuật, được các ông bầu đầu tư dàn dựng, dàn nghệ sĩ ca diễn đặc sắc, kịp thời đáp ứng thị hiếu của khán giả, lại vừa thể hiện những vấn đề nóng của xã hội. Bằng ngòi bút sắc bén của mình, các soạn giả sáng tạo nên những đứa con tinh thần, thể hiện chính kiến, bày tỏ quan điểm với thời cuộc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cũng là thời hưng thịnh của nghệ thuật cải lương. Khán giả đều đặn đến rạp vào những tối cuối tuần; quây kín những điểm diễn ở khu vực vùng ven, ngoại thành. Với nhiều vở diễn đặc sắc, khán giả phải rồng rắn xếp hàng chờ mua vé. Khi quầy bên trong hết vé, khán giả chấp nhận mua vé chợ đen để được vào rạp xem hát với chỗ ngồi tốt, nghe cải lương và ngắm các nghệ sĩ thần tượng.
Sự hâm mộ nghệ sĩ được bày tỏ cuồng nhiệt đến nỗi, sau mỗi suất diễn, nhiều khán giả nán lại và chen chân khu vực cửa sau rạp hát để chờ được nhìn tận mặt vẻ đẹp đời thường của nghệ sĩ mình yêu thích. Tất cả những hào quang lung linh của sàn diễn thưở ấy chứng tỏ sức hấp dẫn khó cưỡng của sân khấu cải lương và nghệ sĩ cải lương mà không có loại hình nghệ thuật nào bì kịp. Lúc này, TPHCM – cái nôi của sân khấu cải lương có rất nhiều sân khấu, nhiều phong cách vở diễn khác nhau, tạo điều kiện cho khán giả mộ điệu có nhiều cơ hội chọn lựa để giải trí.
Nghề rèn ngọc
Theo hành trình phát triển sân khấu cải lương, lĩnh vực nghệ thuật đặc sắc này xuất hiện ngày càng nhiều nghệ sĩ tài danh, hình thành một thế hệ vàng những nghệ sĩ nổi tiếng đi vào lòng khán giả mộ điệu sân khấu bao thế hệ như: Phùng Há, Bạch Mai, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Năm Châu, Diệp Lang, Bảy Nam, Minh Vương, Mỹ Châu, Thanh Sang, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Phương Liên, Hồng Nga, Kim Ngọc, Minh Phụng, Diệu Hiền, Ngọc Hương, Minh Cảnh, Thanh Nga, Thanh Kim Huệ, Thanh Hương, Thanh Tú, Năm Phỉ, Ba Vân, Tám Danh, Vũ Linh, Thanh Tuấn, Thanh Hải, Thanh Thế…
Lăn xả với nghề, mỗi nghệ sĩ đều cố gắng dốc hết sức để kiến tạo nên những dấu ấn rất riêng, xây dựng phong cách ca diễn cuốn hút mang những đặc trưng không thể lẫn lộn. Những giọng ca của Thanh Nga, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Minh Vương… muồi, lạ đến mức không cần nhìn hình, không cần trực tiếp xem sân khấu, mà khán giả mộ điệu vẫn biết rõ giọng ca đó là của nghệ sĩ nào. Khán giả Nguyễn Anh (68 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM) nhớ lại: “Từ trước năm 1975, chúng tôi đã là những người trẻ mê mải cải lương. Hồi đó, làm gì có nhiều trò giải trí để lựa chọn nên cải lương có chỗ đứng vững chắc. Tôi nhớ, hôm nào mà mua được vé vô rạp là niềm vui lớn nhứt. Còn không thì nghe ké. Lạ là không cần coi trực tiếp vẫn mê nghệ sĩ như điếu đổ. Ai mà cất giọng là cả đám coi ké đều thuộc làu tên. Cải lương ngấm vô máu thịt dân Nam bộ như vậy đó”.
Để có được một chất giọng lạ, phong cách diễn xuất sắc sảo, ngoài vốn trời cho là giọng ca, từng nghệ sĩ tài danh đã phải trải qua không ít sự trui rèn vất vả. NSƯT Thanh Tuấn nhớ lại: “Thời hoàng kim, mỗi nghệ sĩ chúng tôi muốn có được một chỗ đứng vững chắc trên sân khấu, được khán giả nhìn nhận, yêu mến đều phải khổ luyện. Phải rất khó, rất khổ mới được thành danh vì không dễ mà khán giả biết đến tên tuổi mình. Chúng tôi cật lực tự học, tự rèn luyện mà không hề được kinh qua trường lớp đào tạo bài bản. Mỗi sáng, tôi lại tự rèn thanh, rồi tự rút kinh nghiệm cho bản thân qua từng vai diễn. Ngày đó, sự hỗ trợ về quảng bá tên tuổi, thông tin truyền thông đến công chúng như báo, đài, truyền hình cũng rất hiếm hoi. Tôi đi thu đài cũng vất vả lắm. Vào phòng thu, thu 3 câu vọng cổ, mình ca hư một chữ thôi là phải ca lại từ đầu. Những bạn có nghề nghiệp yếu, có lúc thu đi thu lại 5 lần 7 lượt cả một bài vọng cổ chứ chẳng phải chơi”.
Không có quá nhiều phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, truyền thanh, truyền hình hỗ trợ quảng bá tên tuổi, mỗi nghệ sĩ được ghi nhận năng lực bằng chính những vai diễn dưới ánh đèn màu mỗi đêm, lăn xả, bám trụ theo các đoàn hát. Để ghi nhận sức sáng tạo và sự đóng góp của những nghệ sĩ sân khấu cải lương, giai đoạn trước giải phóng có giải thưởng nổi tiếng và uy tín là Giải Thanh Tâm, do ký giả Thanh Tâm (tên thật là Trần Tấn Quốc) thành lập, hoạt động từ năm 1958 – 1968. Người nhận Giải Thanh Tâm đầu tiên là nữ nghệ sĩ Thanh Nga và liên tiếp mỗi năm sau đó, giải thưởng này trao huy chương và khen thưởng cho những nam, nữ nghệ sĩ trẻ có triển vọng nhất trong năm…
Cải lương có thời hoàng kim, vậy sau thời hoàng kim là gì? Làm sao để cải lương tồn tại và phát triển? Nói như TS Mai Mỹ Duyên là “chưa có giải pháp khả thi để ngăn chặn cơn “thoái trào” và làm sống lại giai đoạn hoàng kim của sân khấu cải lương”. Câu nói ấy, đau – nhưng là sự thật!
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.