Tối nay 22-12, trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2018: Mùa giải của những điểm nhấn
Sức hút của AFF Cup 2018 là rất lớn, khi nhiều đại biểu đã cố gắng chờ đến hết ngày 15-12 (hạn cuối của việc chốt phiếu bầu) nhằm chờ đợi thêm những cú đột phá ở trận cuối cùng. Chính “bàn thắng vàng” của Công Vinh trong trận chung kết năm 2008 đã làm cho nhiều người chờ đợi một sự lập lại trong năm 2018. Và rồi, điều ấy cũng đã đến khi Anh Đức ghi bàn thắng quyết định trong trận chung kết. Bàn thắng trên đã phần nào làm thay đổi cục diện của các lá phiếu vào giờ chót khi chân sút của đội Bình Dương đã kịp ghi tên mình trong tốp 5.
Bên cạnh việc có 2 cầu thủ góp mặt trong tốp 5, CLB Hà Nội còn gây ấn tượng ở giải Cầu thủ trẻ xuất sắc khi góp mặt đầy đủ trong tốp 3 với Đình Trọng, Văn Hậu và Quang Hải. Đó là chưa nói đến việc Oseni có tên trong tốp 3 hạng mục Cầu thủ nước ngoài xuất sắc để giúp cho các nhà ĐKVĐ V-League có 1 năm thành công.
Ở giải nữ, bên cạnh những cái tên quen thuộc Tuyết Dung, Chương Thị Kiều, Huỳnh Như, Hải Yến, Nguyễn Thị Vạn còn có những gương mặt trẻ vừa tỏa sáng ở vòng loại giải bóng đá U.19 nữ châu Á 2019. Đó là Tuyết Ngân, Cù Thị Huỳnh Như và Vạn Sự.
Hấp dẫn nhất ở cuộc bầu chọn năm nay là ở hạng mục Quả bóng vàng futsal bởi sự tương đồng giữa các ứng viên. Ở danh sách tốp 5 chung cuộc, thủ lĩnh của CLB Hải Phương Nam.ĐHGĐ là Vũ Quốc Hưng đua tranh cùng 4 cầu thủ của CLB Thái Sơn Nam là Phạm Đức Hòa, Nguyễn Minh Trí, Hồ Văn Ý và một cái tên quen thuộc của giải thưởng Quả bóng vàng trong nhiều năm qua là Trần Văn Vũ (tức Vũ “Neymar).
Gala trao giải Quả bóng vàng 2018 sẽ là đêm hội tôn vinh các cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho bóng đá nước nhà trong năm. Đó còn là cú hích để giúp các cầu thủ phấn đấu trong năm 2019 mà khởi đầu sẽ là VCK Asian Cup 2019 diễn ra vào đầu tháng.
Những con số biết nói 1- Lưu Ngọc Mai là nữ cầu thủ duy nhất tính đến hiện nay từng được bầu chọn vào danh hiệu “Quả bóng đồng” chung với các cầu thủ nam đoạt giải thưởng ở mùa giải 2001 – được tính là danh hiệu duy nhất dành cho nữ vào năm đó. Năm 2001 cũng chứng kiến lần đầu tiên có một thủ môn được trao danh hiệu “Quả bóng vàng nam” là Võ Văn Hạnh (CLB SLNA). Sau này, Dương Hồng Sơn trở thành thủ môn thứ hai nhận được danh hiệu vào năm 2008. 2- Trong 2 màu áo CLB khác nhau, tiền vệ Phạm Thành Lương đã giành được các danh hiệu Quả bóng vàng nam. Khi còn khoác áo CLB Hà Nội ACB, Thành Lương đã 2 lần được vinh danh ở các năm 2009 và 2011. Khi chuyển sang khoác áo CLB Hà Nội T&T, tiền vệ này cũng đoạt 2 danh hiệu vào các năm 2014 và 2016. 3- Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh là 2 cầu thủ cùng sở hữu 3 danh hiệu Quả bóng vàng nam. Công Vinh thắng giải các năm 2004, 2006 và 2007, trong khi cựu thủ quân đội tuyển Việt Nam là Lê Huỳnh Đức lên ngôi ở các mùa giải 1995, 1997 và 2002. Ở hạng mục nữ, thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh cũng có 3 lần bước lên bục cao nhất (2011, 2012 và 2017). 4- Tiền vệ Phạm Thành Lương hiện đang nắm giữ kỷ lục đoạt nhiều danh hiệu Quả bóng vàng nam với 4 lần vào các năm 2009, 2011, 2014 và 2016. Cựu tiền đạo Đoàn Thị Kim Chi cũng có 4 lần đoạt danh hiệu Quả bóng vàng nữ (các năm 2004, 2005, 2007 và 2009). 5- CLB Sông Lam Nghệ An đang sở hữu nhiều danh hiệu Quả bóng vàng nam nhất với 5 lần (Lê Công Vinh 3 lần, Phạm Văn Quyến 1 lần và Võ Văn Hạnh 1 lần). Nhưng điều đó vẫn chưa chạm đến kỷ lục 11 lần giành giải cao nhất mà CLB bóng đá nữ TPHCM đang sở hữu (Kim Chi 4 lần, Kiều Trinh 3 lần, Ngọc Mai 1 lần, Kim Hồng 1 lần và Huỳnh Như 1 lần). |
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.