Bế tắc đàm phán dẫn đến nguy cơ chính phủ Mỹ đóng cửa dài hạn
Bế tắc trong các cuộc đàm phán khiến Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo nguy cơ chính phủ đóng cửa dài hạn.
Không có bước tiến nào được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại hai viện Quốc hội hôm qua (2/1), nhằm chấm dứt tình trạng đóng cửa chính phủ đã bước sang ngày thứ 12 liên tiếp. Trước bế tắc trong các cuộc đàm phán khiến Tổng thống Mỹ cảnh báo nguy cơ chính phủ đóng cửa dài hạn.
Cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump và Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Nancy Pelosi – người sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hạ viện từ ngày 3/1, cùng Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer – lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, đã không mang lại kết quả khả quan. Cuộc gặp được thực hiện nhằm cố gắng thuyết phục Đảng Dân chủ rằng qũy cho bức tường biên giới phía Nam với Mexico là cần thiết. Tuy nhiên, sau cuộc gặp được đánh gía là quan trọng này, hai bên vẫn không đạt được sự đồng thuận.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer tuyên bố: “Trong cuộc gặp mới đây Tổng thống nói sẽ đóng cửa chính phủ và bây giờ chúng ta đã cảm nhận được sức nóng của vấn đề này. Nó không giúp ích gì cho Tổng thống hay những người Cộng hòa với việc đóng cửa chính phủ. Hôm nay chúng tôi trao cho họ cơ hội để thoát khỏi tình trạng này, mở cửa chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống tuyên bố sẽ không kí dự luật chi tiêu và sử dụng chính phủ làm con tin, đòi hỏi chúng tôi nên nhượng bộ. Tuy nhiên người dân Mỹ không muốn điều này. Đó không phải là cách để cai trị đất nước”.
Các nghị sĩ Quốc hội dự kiến sẽ quay trở lại Nhà trắng vào ngày mai (04/01) nhưng hiện không có dấu hiệu nhượng bộ giữa các bên. Các hạ nghị sĩ Dân chủ đang cố gắng mở cửa lại chính phủ mà không phải chi tiền cho bức tường biên giới mà Tổng thống Trump mong muốn. Theo đó, Hạ viện sẽ thúc đẩy kế hoạch bỏ phiếu thông qua 2 dự luật cấp ngân sách cho các cơ quan chính phủ trong cuộc họp đầu tiên vào hôm nay (3/1), sau khi phe Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.
Dự luật này sau đó cần được Thượng viện thông qua và trình lên Tổng thống Trump ký ban hành luật. Tuy nhiên, tương lai của các dự luật này khá mịt mù khi lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell khẳng định, Thượng viện sẽ không bỏ phiếu thông qua các dự luật mà Tổng thống Trump sẽ không ký.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng khẳng định giữ thái độ kiên quyết tới khi đảm bảo được khoản kinh phí cho việc xây tường biên giới:“Việc chính phủ đóng cửa có thể là kéo dài hoặc sớm mở cửa trở lại. Điều quan trọng là các cuộc đàm phán đạt kết quả ra sao. Tôi nghĩ người dân Mỹ đều cho rằng quyết định của tôi là đúng đắn”
Trong bối cảnh các nghị sĩ Mỹ vẫn đang tranh cãi về kinh phí xây bức tường biên giới, ước tính khoảng 800.000 nhân viên công vụ tiếp tục phải nghỉ việc tạm thời hoặc làm việc trong tình trạng không được trả lương. Việc đóng cửa một phần chính phủ đã chặn ngân sách cấp cho 9 bộ cùng hàng chục cơ quan.
Việc đóng cửa chính phủ cũng gây sự chia rẽ trong nước Mỹ, khi kết quả thăm dò dư luận tiến hành mới đây cho thấy, nhiều người dân Mỹ đã cáo buộc Tổng thống Trump là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chính phủ nước này phải đóng cửa một phần. Theo đó, 47% người được hỏi cho rằng Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm, trong khi chỉ có 33% đổ lỗi cho các nghị sĩ Dân chủ ở Quốc hội.
Không chỉ là những vấn đề nội bộ nước Mỹ, việc đóng cửa một phần Chính phủ liên bang Mỹ kéo dài tác động không nhỏ đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung, trong bối cảnh giai đoạn 90 ngày đình chiến đang thu hẹp dần. Theo các chuyên gia, tác động đến các cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa bao lâu, vì nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động hậu cần chuẩn bị cho các cuộc đàm phán.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.