Bóng đá không phải mì ăn liền!

Sau 2 trận tuyển Việt Nam thua Iraq và Iran, không có gì buồn hơn khi trên mạng xã hội và cả một bộ phận truyền thông đã có những nhận định: 3/5 bàn thua của Việt Nam có lỗi của Duy Mạnh; thủ môn Văn Lâm đứng sai vị trí dẫn đến bàn thua thứ 3 ở phút bù giờ cuối trận trước Iraq; nếu là Văn Quyến chứ không phải Công Phượng thì Việt Nam đã có bàn gỡ hòa 1-1 trước Iran…

Đây là những bình luận ác ý, tiêu cực, thiếu hẳn tính xây dựng. Họ đã quên rằng trong thể thao, không riêng gì bóng đá, trước những đối thủ có đẳng cấp cao hơn thì bên yếu hơn sẽ luôn phạm sai lầm và khi đó sẽ bị đối phương trừng phạt.

Đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019 là đội yếu hơn nên có bị Iraq rồi Iran dồn ép và khai thác những sai lầm để chuyển thành bàn thắng cũng là chuyện bình thường. Tất cả người dân Việt Nam, từ người hâm mộ cho đến các chuyên gia, cũng đừng quên rằng bóng đá Việt Nam dù vô địch AFF Cup 2018 thì Đông Nam Á vẫn luôn là khu vực có trình độ bóng đá thấp nhất thế giới, nên khi ra châu lục, đấu trường đẳng cấp cao hơn rất nhiều, thành tích bóng đá Việt Nam chưa được cao cũng là lẽ thường.

Bóng đá không phải mì ăn liền! - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam cần sự động viên sau thất bại thay vì chỉ trích, nhất là khi thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn còn cơ hội vào vòng 1/8. Ảnh: ANH KHOA

Nhìn rộng hơn, bóng đá Hàn Quốc bắt đầu thường xuyên tham gia VCK World Cup từ năm 1986 hay Nhật Bản là từ 1998. Thế mà sau hơn 20 năm, thậm chí là sau hơn 30 năm, Hàn Quốc và Nhật Bản dù luôn ở nhóm đỉnh cao châu Á nhưng đến nay vẫn chưa được nằm trong top 10 thế giới. Tại sao? Vì châu Á là khu vực có trình độ bóng đá thấp nhất thế giới.

Nhìn những ông lớn châu Á chưa là gì so với thế giới rồi nhìn lại bóng đá Việt Nam – ông lớn Đông Nam Á chưa là gì so với châu Á – thì có gì là sai? Đó là chưa tính đến nhiều yếu tố mà Hàn Quốc, Nhật Bản hơn hẳn Việt Nam: Họ là 2 cường quốc kinh tế thế giới, có mấy chục năm phấn đấu để bước lên tầm cao mới. Vậy mà họ còn chưa biến giấc mơ thành hiện thực, huống chi là đất nước Việt Nam vốn còn muôn vàn khó khăn, nền bóng đá còn nhiều vấn nạn đồng thời mới chỉ lột xác một năm qua mà đòi hỏi bóng đá nước nhà lớn nhanh, lớn phổng như Thánh Gióng thì chỉ có thể là những giấc mơ hoang tưởng giữa đời thường.

Lý ra, chúng ta phải hài lòng rồi cùng nhau góp ý trên tinh thần xây dựng để bóng đá Việt Nam phát triển. Bởi lẽ, thế hệ Quang Hải, Công Phượng đã và đang phát triển toàn diện về cả đức lẫn tài. Nên nhớ, chính thế hệ này đã buộc thế giới bóng đá đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác mỗi khi nhắc đến bóng đá Việt Nam. Công bằng hơn nữa, đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup đang chơi hay dần lên qua từng trận dù cả hai lần ra quân đều thua cả hai.

Lý ra, chúng ta phải nhớ đến một thủ quân Quế Ngọc Hải dù bị choáng vẫn gắng sức đá hết trận trước Iran; một Đức Huy mất trí nhớ tạm thời khi va chạm mạnh với cầu thủ Iran mà vẫn gồng mình đá hết trận… Lý ra, khi các chàng trai chúng ta tận hiến thì họ cần phải được thông cảm, động viên, nhất là trước trận đấu quyết định gặp Yemen với hy vọng kiếm được một suất vào vòng 1/8 cho bóng đá Việt Nam vào ngày 16-1 tới. Lý ra, mọi người cũng đừng quên thế hệ Quang Hải, Công Phượng đã được phát hiện, đào tạo từ năm 2007 rồi được thử lửa, trui rèn ở mọi cấp độ từ trong nước cho đến quốc tế kể từ năm 2013.

Cho nên, mọi người phải hiểu rằng: Bóng đá không phải là mì ăn liền!

Nguồn NLĐ