Venezuela căng thẳng nghẹt thở

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang đối mặt thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013. Bạo loạn bùng phát vào hôm 23-1 khi các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối ông nổ ra trên khắp cả nước.

Tình hình thêm nóng khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, cũng là lãnh đạo phe đối lập, tự tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời của Venezuela cùng ngày. Nhà lập pháp 35 tuổi vốn không mấy tiếng tăm này nhanh chóng được Mỹ và Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) cùng nhiều quốc gia phương Tây công nhận.

Theo hãng tin AP, ít nhất 7 người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc đụng độ trên đường phố. Tình hình nghẹt thở khiến mọi ánh mắt đổ dồn về quân đội Venezuela. Cùng ngày 23-1, Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino thể hiện sự ủng hộ Tổng thống Maduro khi tuyên bố quân đội nước này không công nhận một tổng thống lâm thời “trái pháp luật”. “Giới lãnh đạo quân đội trung thành với ông Maduro” – một sĩ quan cấp cao của Venezuela giấu tên khẳng định với hãng tin Reuters (Mỹ).

Từ Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sử dụng tối đa sức mạnh ngoại giao và kinh tế để khôi phục điều mà ông khẳng định là nền dân chủ ở Venezuela. Khi được hỏi về giải pháp quân sự, ông chủ Nhà Trắng khẳng định: “Mọi phương án đang nằm trên bàn”.

Trong một động thái đáp trả, Tổng thống Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Washington, đồng thời yêu cầu toàn bộ nhân viên ngoại giao Mỹ rời Venezuela trong vòng 72 giờ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bác bỏ, viện dẫn lý do “cựu Tổng thống Maduro” không có quyền chấm dứt quan hệ giữa 2 nước, theo đài RT (Nga). Ông Pompeo cảnh báo Washington sẽ “đáp trả thỏa đáng” bất cứ ai đe dọa nhân viên ngoại giao Mỹ tại Venezuela.

Venezuela căng thẳng nghẹt thở - Ảnh 1.

Biểu tình phản đối Tổng thống Nicolas Maduro tại thủ đô Caracas – Venezuela hôm 23-1. Ảnh: REUTERS

Ngược lại phản ứng của Mỹ và một số nước, Mexico, Nga và Cuba nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho ông Maduro. Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Quan hệ quốc tế (Nga) hôm 24-1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định Nga sẽ sát cánh bảo vệ chủ quyền Venezuela cũng như nguyên tắc không can thiệp vào việc nội bộ nước khác. Khi được hỏi về khả năng Mỹ can thiệp quân sự vào Venezuela, ông Ryabkov cảnh báo đó là một “thảm họa”.

Có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới với 300 tỉ thùng song Venezuela chứng kiến khoảng 3 triệu người dân chạy sang các nước láng giềng trong những năm qua. Theo một nghiên cứu gần đây của nhóm trường đại học hàng đầu Venezuela, khủng hoảng kinh tế, thiếu thốn nhu yếu phẩm, lương thực khiến 60% cân nặng của người dân Venezuela sụt trung bình 11 kg.

Mới đây, Ngân hàng Đầu tư RBC Capital Markets dự đoán sản lượng dầu khai thác của Venezuela sẽ giảm 300.000-500.000 thùng/ngày vào năm 2019. Trong trường hợp chính quyền Tổng thống Trump mở rộng trừng phạt lên ngành dầu mỏ Venezuela, sản lượng này sẽ giảm thêm hàng trăm ngàn thùng/ngày – theo bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của RBC Capital Markets. Chưa hết, thị trường dầu mỏ thế giới cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong khi quan hệ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Mỹ thêm phức tạp.
Nguồn NLĐ