Dự báo kém vui về kinh tế thế giới
Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo 70% nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến tăng trưởng sụt giảm trong năm 2019
Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong 6 tháng, IMF hạ dự báo về triển vọng kinh tế thế giới năm nay. Ngoài ra, tổ chức này còn dự báo 70% nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng trong năm 2019.
“Đây là thời điểm nhạy cảm của nền kinh tế toàn cầu. Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách không có bước đi sai lầm và hợp tác làm việc cùng nhau” – bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, nhấn mạnh tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington, D.C. – Mỹ hôm 9-4.
Bà Gita Gopinath (thứ hai từ phải sang), nhà kinh tế trưởng của IMF, phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington – Mỹ hôm 9-4 Ảnh: NEWS.CN
IMF cho rằng mức tăng trưởng 3,3% là hợp lý nhưng cảnh báo triển vọng tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia sẽ gặp thách thức trước nguy cơ bùng phát tranh chấp thương mại. Đáng chú ý, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 6,3% năm nay, so với mức 6,2% trước đó nhờ nỗ lực hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh và khả năng cuộc chiến thương mại với Mỹ hạ nhiệt. Trái lại, theo cảnh báo của IMF, những rủi ro từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn khá cao.
Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu nhưng IMF hy vọng nền kinh tế thế giới sẽ cải thiện từ nửa cuối năm nay nhờ các chính sách khuyến khích tăng trưởng của các ngân hàng trung ương. IMF giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 3,6% cho kinh tế thế giới năm 2020, nhờ sự phục hồi của kinh tế Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, song song với sự cải thiện của một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác.
Từ sau năm 2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ổn định ở mức 3,5%, chủ yếu là do sự tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo của IMF kêu gọi các nước tránh phạm phải những sai lầm đắt giá về chính sách và tăng cường hợp tác đa phương để giải quyết xung đột thương mại, biến đổi khí hậu, nguy cơ từ an ninh mạng và cải thiện hiệu quả hệ thống thuế toàn cầu.
Trước thềm hội nghị của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington trong tuần này, ông David Malpass, tân Chủ tịch WB, hôm 9-4 cho rằng vấn đề cấp bách nhất mà WB đang đối mặt là giải quyết nạn nghèo đói toàn cầu. Phát biểu trước báo giới, ông Malpass cho rằng nhiệm vụ trọng tâm của WB là xóa nghèo và thúc đẩy sự thịnh vượng chung trong bối cảnh có đến 700 triệu người đang sống cảnh nghèo đói cùng cực.
Là nhân vật được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử cho vị trí trên, ông Malpass lại gây ngạc nhiên khi thừa nhận biến đổi khí hậu là một vấn đề quan trọng mà WB có vai trò phải giải quyết vì nó có thể tác động lên tình trạng nghèo đói ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, ông lo ngại tăng trưởng toàn cầu chậm lại trong năm 2019 có thể gây trở ngại đến cuộc chiến chống đói nghèo.
Thông điệp của ông Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang tập trung tại Washington để tham dự cuộc họp của IMF và WB: Các cuộc chiến thương mại của ông vẫn chưa chấm dứt và nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu sẽ phải đối mặt với điều này. Đây không phải là thông tin tốt cho tăng trưởng toàn cầu bởi IMF và giới phân tích cho rằng những công kích của ông Trump đối với hệ thống thương mại toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến tâm trạng nhà đầu tư và người kinh doanh.
Với lời đe dọa mới nhất về việc áp thuế lên 11 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ EU, ông chủ Nhà Trắng như nhắc thế giới nhớ rằng ngay cả khi đang hướng đến thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc, ông vẫn nóng lòng “viết lại” các mối quan hệ song phương khác. “EU đã lợi dụng Mỹ về thương mại trong suốt nhiều năm qua. Điều này sẽ sớm chấm dứt” – Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 9-4.
Theo trang Bloomberg, EU không phải là mục tiêu duy nhất trong tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vào tuần tới, phái đoàn thương mại Nhật Bản do Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Toshimitsu Motegi dẫn đầu sẽ đến Washington để đàm phán về một thỏa thuận song phương. Nhật Bản buộc phải quay lại bàn đàm phán sau khi bị Mỹ đe dọa áp thuế lên ôtô dù không có dấu hiệu cho thấy quốc gia châu Á này dễ dàng nhượng bộ.
Trong khi đó, Canada và Mexico vẫn đang tiếp tục hối thúc Mỹ gỡ bỏ thuế quan đối với sản phẩm thép và nhôm của họ giữa lúc chính phủ 3 quốc gia này đang thúc đẩy quốc hội phê chuẩn hiệp định mới thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).Chưa hết, Ấn Độ đang dọa áp thuế thương mại lên một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ sau khi bị Tổng thống Trump dọa loại khỏi chương trình ưu đãi thương mại dành cho các quốc gia đang phát triển.
Thông tin tích cực hiếm hoi là EU tuyên bố đã đạt được “một bước đột phá” trong vấn đề thương mại với Trung Quốc. Tại hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc diễn ra ở Brussels – Bỉ vào ngày 9-4, hai bên nhất trí củng cố quan hệ thương mại song phương và hướng tới việc mở cửa kinh tế Trung Quốc với các nhà đầu tư nước ngoài. Nổi bật hơn, theo đài DW, Bắc Kinh đã cam kết với EU về việc không buộc các công ty chia sẻ tài sản trí tuệ.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.